Nổi bật, để đáp ứng yêu cầu của tiêu chí quy hoạch, các địa phương tích cực thực hiện công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch NTM đã được phê duyệt để quy hoạch xã NTM đảm bảo hài hòa giữa phát triển nông thôn với phát triển đô thị, quy hoạch sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp...; đồng thời thực hiện tốt việc quản lý và tổ chức triển khai thực hiện đúng quy hoạch xây dựng NTM. Từ nguồn vốn của Chương trình, tỉnh đã phân bổ 26,8 tỷ đồng cho các huyện, xã để lập mới hoặc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng xã và quy hoạch chi tiết trung tâm hành chính xã hoặc điểm dân cư nông thôn nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu chí và yêu cầu xây dựng NTM. Dự kiến trong quý I/2024 toàn bộ các huyện, xã sẽ hoàn thành công tác quy hoạch, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch.
Diện mạo xã nông thôn mới Phước Hải (Ninh Phước). Ảnh: V.Nỷ
Tỉnh cũng đã tập trung ưu tiên bố trí nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Từ nguồn vốn phân bổ trực tiếp từ ngân sách trung ương và đối ứng từ ngân sách tỉnh, huyện, các địa phương đã triển khai thực hiện đầu tư 43 công trình với tổng kinh phí 99,89 tỷ đồng. Ngoài ra các địa phương đã lồng ghép vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia còn lại, huy động người dân đóng góp tiền, ngày công, hiến đất,... để đầu tư công trình. Các ngành, địa phương phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Điển hình như khai thác hiệu quả hệ thống thủy lợi hiện có gắn với phát huy hiệu quả hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, diện tích sản xuất chủ động tưới đạt 62,38%; trong năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 1.669ha, vượt 28,4% (kế hoạch 1.300ha); giá trị sản xuất bình quân 143,8 triệu đồng/ha đất sản xuất, cao hơn 5 triệu đồng/ha so với năm 2022... Tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động 67 liên kết chuỗi giá trị nông sản, tăng 6 liên kết so với năm 2022, tạo điều kiện tiêu thụ nông sản ổn định...
Các địa phương cũng chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vận động các hộ dân ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất... góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Trong năm 2023, ngành lao động và các địa phương đã tổ chức đào tạo nghề cho 3.920 lao động nông thôn (kế hoạch 2.600 lao động), vượt 50,77%, tăng 1,35 lần so với năm 2022. Công tác giảm nghèo, tạo việc làm và thực hiện các chính sách an sinh xã hội được các ngành, địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện như cho vay phát triển sản xuất đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ thẻ bảo hiểm, cấp gạo cứu đói, giải quyết việc làm mới. Trong năm, đã cho 1.255 hộ nghèo vay vốn với doanh số 54,3 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện cho 11.015 hộ nghèo với tổng giá trị 7,5 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ 105.843 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn với số tiền 25 tỷ đồng... Kết quả đó góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo là 5,86%, giảm 2,27% và hộ cận nghèo còn 5,01%, giảm 0,7% so với năm 2022.
Các hoạt động về giáo dục, y tế, văn hóa và môi trường được các ngành, các cấp tiếp tục triển khai theo kế hoạch; trong đó chú trọng đến các nội dung liên quan đến tiêu chí NTM như: Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; vận động các tổ chức từ thiện khám và chữa bệnh cho người nghèo, đối tượng chính sách, tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế, giáo dục thể chất cho học sinh; phân loại, thu gom rác thải, xây dựng nhà vệ sinh vùng dân tộc thiểu số... Cảnh quan môi trường từng bước được quan tâm và đã xuất hiện nhiều mô hình về đường hoa, công viên thôn gắn với triển khai thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025; mô hình sáng - xanh- sạch - đẹp, an toàn tại các thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu như: Nha Hố 1, Nha Hố 2, Đắc Nhơn 3 (xã Nhơn Sơn), Lâm Phú (xã Lâm Sơn), Khánh Hội (xã Tri Hải)... Hệ thống chính trị cơ sở các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn sau đại hội Đảng các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được quan tâm bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và quy định của chương trình. Công tác quốc phòng được các địa phương quan tâm thực hiện từ việc xây dựng lực lượng dân quân “vững mạnh, rộng khắp” đến thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu về quốc phòng.
Phát huy các kết quả đạt được, toàn tỉnh tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, quyết định và kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về chương trình xây dựng NTM năm 2024, trọng tâm tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động để thực hiện thực hiện hiệu quả 11 nội dung của Chương trình; 6 chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng NTM. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho địa phương đảm bảo tiến độ, chất lượng xây dựng NTM. Tích cực triển khai các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện chương trình; quản lý và sử dụng tốt nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao. Nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp, đặc biệt là cán bộ phụ trách kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi số... Đẩy mạnh tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện NTM gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Xuân Bính