Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu: Siết chặt quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu được giao quản lý trên 61 tiểu khu, với tổng diện tích 39.335,58ha rừng và đất rừng nằm trên địa giới hành chính 11 xã thuộc 3 huyện: Bác Ái, Thuận Bắc và Ninh Sơn. Thời gian qua BQL đã có nhiều nỗ lực, khắc phục khó khăn, cùng người dân địa phương thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Ông Nguyễn Văn Hiến, Phó trưởng BQL rừng phòng hộ liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu cho biết: Từ năm 2016 đến nay, BQL rừng đã triển khai khoán bảo vệ rừng (BVR) cho các cộng đồng dân cư thuộc các xã: Phước Đại, Phước Chính, Phước Thắng, Phước Thành, Phước Trung, Phước Kháng, Phước Chiến và lực lượng vũ trang với tổng diện tích 103.955,08 lượt ha. Trong đó, Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững 58.845,28 lượt ha; Chương trình 30a 14.197,8 lượt ha; Dịch vụ môi trường rừng 1.500 lượt ha; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững 200 lượt ha; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 29.212,00 lượt ha. Hiện nay, BQL rừng triển khai khoán BVR giai đoạn 2021-2025 với diện tích 17.606ha, cho các nhóm hộ dân thuộc khu vực II và khu vực III thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật, gắn việc bảo vệ và phát triển rừng với mô hình sinh kế “chăn nuôi dưới tán rừng” nhằm cải thiện đời sống, thu nhập ổn định từ rừng để người dân yên tâm tham gia cùng cộng đồng thực hiện công tác BVR.

Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ
Sông Sắt - Sông Trâu tuần tra, kiểm soát lâm phần quản lý.

Công tác ký kết và thực hiện quy chế phối hợp quản lý, BVR vùng giáp ranh, giữa các đơn vị chủ rừng, các tổ chức và cộng đồng tại địa phương đã được triển khai quyết liệt. BQL rừng đã xây dựng 1 chốt BVR vùng giáp ranh tại Tiểu khu 49, duy trì lực lượng trực thường xuyên 24/24 tại chốt trực và tổ chức đi tuần tra, kiểm soát dọc theo đường ranh giới giữa 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận phát hiện và ngăn chăn kịp thời các hành vi xâm hại đến rừng.

Ông Nguyễn Văn Hiến, Phó trưởng BQL rừng phòng hộ liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu cho biết thêm: Bên cạnh những kết quả đạt được BQL rừng cũng gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Do khu vực trồng rừng thay thế xa nằm trên các đỉnh núi, địa hình đồi dốc, công tác xử lý thực bì khó khăn. Diện tích đất trống trồng và chăm sóc rừng phòng hộ rải rác không tập trung, khó khăn cho công tác khảo sát, thiết kế, trồng rừng và quản lý, chăm sóc. Lâm phần BQL rừng có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, nằm trên địa giới hành chính 3 huyện: Bác Ái, Thuận Bắc và Ninh Sơn, đa phần các xã trên địa bàn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn. Mức trả công khoán BVR hiện không đủ chi phí cho các hoạt động tuần tra BVR, ảnh hưởng đến việc xây dựng mô hình sinh kế cho cộng đồng; suất đầu tư trồng rừng và khoán BVR còn thấp, do đó chưa thu hút được người dân tham gia.

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, BQL thực hiện tốt công tác BVR gắn với phát triển sinh kế cho người dân; đẩy mạnh thực hiện trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng nhằm tăng diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng, từng bước nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy trình thực hiện các công trình trồng chăm sóc rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trồng đang trong giai đoạn đầu tư đảm bảo rừng trồng phải thành rừng. Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lâm nghiệp trong nhân dân; vận động các hộ dân ký cam kết tham gia bảo vệ, phát triển rừng, không vi phạm các quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Thực hiện kiểm tra, tuần tra, tổ chức truy quét các vùng trọng điểm phá rừng, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản, hầm than và mua bán lâm sản, động vật rừng trái phép. Giám sát chặt chẽ việc thực hiện các dự án có chuyển đổi rừng và đất rừng sang mục đích sử dụng khác đảm bảo đúng theo quy định.