Nông nghiệp bứt phá đi lên đã minh chứng cho sự linh hoạt đổi mới tư duy lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao (CNC) đối với các sản phẩm đặc thù thích ứng với biến đổi khí hậu. Có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của trung ương, của tỉnh mang tầm chiến lược được đưa vào cuộc sống đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện những mô hình sản xuất có hiệu quả, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trang trại hoa lan tại xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) được đầu tư sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: V.M
Cũng vùng đất ấy, sản phẩm ấy, nhưng khi xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) tổ chức thực hiện mô hình phát triển du lịch nông thôn gắn với du lịch vườn cây ăn trái theo Quyết định số 1386/QĐ-BNN-VPĐP ngày 6/4/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tạo thu nhập tăng thêm đáng kể cho hộ trồng. Ông Võ Xin ở thôn Lâm Bình là gương điểm hình làm giàu từ trồng bưởi da xanh, măng cụt, chôm chôm, xoài... gắn với du lịch sinh thái nhà vườn. Trong nắng xuân mới, vườn trái cây của ông thu hút đông du khách đến tham quan. Chỉ tính riêng bưởi da xanh, trung bình mỗi tháng cho thu hoạch khoảng 1,5-1,8 tấn, du khách, thương lái mua tại vườn với giá từ 30.000-35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông Võ Xin thu lãi hơn 40 triệu đồng. Ông phấn khởi, cho biết: Vườn trái cây sẽ thu hút nhiều du khách hơn, cho lợi nhuận cao hơn trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Mô hình phát triển du lịch nông thôn gắn với du lịch vườn cây ăn trái đang được nhân rộng ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh. Từ lợi thế vùng tiểu khí hậu đặc trưng, Hợp tác xã (HTX) Tổng hợp nông nghiệp Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) đầu tư sản xuất theo mô hình trồng nho trong nhà lưới ứng dụng CNC với quy mô 0,5ha và phát triển thành sản phẩm hàng hóa, đồng thời liên kết với nhiều hộ tham gia tiêu thụ theo chuỗi giá trị với diện tích hơn 100ha, phục vụ du lịch tại địa phương. HTX đầu tư khang trang cổng và biển tên vườn trái cây đón được nhiều lượt khách tham quan, thu nhập cao từ bán trái cây tại vườn. Lợi nhuận từ thực hiện mô hình và các dịch vụ hiệu quả đã giúp đời sống của các thành viên HTX thay đổi rõ rệt.
Năm 2023, ngành Nông nghiệp mở hướng đi mới từ việc chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất để đảm bảo đầu ra sản phẩm ổn định, khắc phục tình trạng canh tác manh mún; đã xây dựng được 67 liên kết chuỗi giá trị nông sản, trong đó có 35 liên kết chuỗi sản xuất quy mô cánh đồng lớn.
Năm 2023, ngành Nông nghiệp mở hướng đi mới từ việc chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất để đảm bảo đầu ra sản phẩm ổn định, khắc phục tình trạng canh tác manh mún; đã xây dựng được 67 liên kết chuỗi giá trị nông sản, trong đó có 35 liên kết chuỗi sản xuất quy mô cánh đồng lớn. Việc tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn, nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, HTX được triển khai nhân rộng. Từ thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, ngành chức năng, các địa phương đã hỗ trợ xây dựng 4 HTX nông nghiệp điển hình, 13 HTX nông nghiệp ứng dụng CNC liên kết theo chuỗi giá trị. Đến thăm trang trại trồng dưa lưới ở xã Phước Tiến (Bác Ái) của HTX Nông nghiệp CNC Nam Miền Trung được ông Nguyễn Trọng Hạnh, giám đốc HTX, cho biết: Để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của khách hàng, HTX liên kết với nông dân sản xuất dưa lưới trong nhà kính, quy mô 2ha. Sản phẩm dưa lưới của HTX đã được cấp mã số vùng trồng, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, kịp thời phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán 2024.
Nông dân xã Phước Hải (Ninh Phước) liên kết với doanh nghiệp trồng măng tây xanh theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao.Ảnh: Tiến Mạnh
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung thực hiện gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ tạo sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất nguồn gốc. Toàn tỉnh có 186 sản phẩm OCOP; trong đó, có 27 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 159 sản phẩm đạt 3 sao. Sản phẩm OCOP Ninh Thuận vươn xa nhờ công tác quảng bá có nhiều đổi mới, cách làm sáng tạo; thị trường tiêu thụ tiếp tục phát triển. Thị trường trong nước được mở rộng thông qua phát triển các kênh tiêu thụ, gia tăng thương mại điện tử, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Tết Nguyên đán là thời điểm các cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh sản xuất, cung ứng hàng hóa ra thị trường.
Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC, trong năm 2023 UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai các thủ tục thu hút doanh nghiệp đầu tư dự án sản xuất tôm bố mẹ, dự án nuôi biển CNC vùng biển sâu và dự án trồng cây dược liệu CNC và chuyển giao công nghệ nuôi trồng dược liệu. Đồng thời, chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng đề án phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ quy mô khoảng 4.000ha để thu hút đầu tư xây dựng vùng nông nghiệp CNC kiểu mẫu giai đoạn 2024-2025.
Sản xuất nông nghiệp CNC có nhiều khởi sắc đó là nhờ tỉnh tập trung chỉ đạo nguồn lực, cơ chế chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư phát triển. Qua đó, thu hút 6 doanh nghiệp ngoài tỉnh có quy mô lớn làm hạt nhân trung tâm, liên kết với các tổ chức hợp tác của nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; có 38 dự án nông nghiệp ứng dụng CNC hoạt động hiệu quả. Đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC là 565ha, đạt 113% so với kế hoạch đề ra; vùng sản xuất tập trung đáp ứng các điều kiện, tiêu chí đề xuất là vùng nông nghiệp ứng dụng CNC đã được UBND tỉnh công nhận 3 vùng. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC bình quân là 938 triệu đồng/ha, đạt 134% kế hoạch, riêng dưa lưới và nho CNC đạt hơn 1,2 tỷ đồng/ha/năm.
Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính của nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc). Ảnh: Hồng Lâm
Trong những ngày cuối năm, trên những vùng trồng măng tây xanh, dưa lưới, nho, táo,... ứng dụng CNC không khí lao động, sản xuất nhộn nhịp hơn thường. Những cánh đồng tràn đầy sức xuân đang vào kỳ thu hoạch, cho lợi nhuận cao. Trò chuyện với anh Hùng Ky, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, được biết trước thềm năm mới bà con địa phương đón tin vui: Vùng sản xuất rau ứng dụng CNC An Hải được UBND tỉnh công nhận với tổng diện tích 130ha. Để có được kết quả này, vùng sản xuất rau được tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng đường giao thông, thủy lợi đồng bộ, HTX tổ chức sản xuất theo chuỗi gia trị, áp dụng công nghệ tiến tiến, công nghệ sinh học, giống mới đảm bảo năng suất và chất lượng cao. Tiếp tục duy trì các tiêu chí đã đạt được và nâng cao chất lượng các tiêu chí tại vùng sản xuất rau ứng dụng CNC An Hải, trong vụ rau phục vụ tết Nguyên đán, khâu chăm sóc, tưới nước, bón phân, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm đều được thao tác trên cùng một ứng dụng đã được cài đặt sẵn. Các dữ liệu sản xuất cũng được cập nhật hằng tuần, thể hiện rõ quy trình sản xuất rau, củ, quả tại vườn, cho biết ngày xuống giống, ngày thu hoạch cụ thể của lô vườn đảm bảo theo quy định. Từ nhiều năm qua, xã An Hải không chỉ được biết đến là một trong những địa phương năng động, sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp thuộc tốp đầu của huyện Ninh Phước, mà còn nổi tiếng với nhiều đặc sản, tạo nên giá trị rất riêng cho vùng đất ven biển. Nhờ thổ nhưỡng phù hợp cùng sự chịu thương, chịu khó của nông dân đã đưa cây rau màu trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của huyện.
Mỗi mùa xuân về, ngành Nông nghiệp “gặt hái” thêm nhiều thành tựu. Bước vào năm 2024 với tâm thế mới, toàn ngành tự tin phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 4% so với năm 2023, tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.
Tuấn Anh