Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết: Một trong những nhiệm vụ được Tỉnh ủy đặc biệt chú trọng và triển khai ngay sau đại hội đó là tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng trọng tâm, trọng điểm, giải quyết các nội dung, công việc theo chuyên đề. Trong lãnh đạo, chỉ đạo thể hiện sự nhất quán, quyết liệt, bản lĩnh của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh, dám nhìn thẳng vào khuyết điểm, hạn chế; giải quyết, tháo gỡ những khó khăn để phát triển. Việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị, cơ chế, chính sách phải phù hợp với tình hình thực tiễn, đi kèm với việc bảo đảm nguồn lực, tạo sự thống nhất cao trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập và một số vấn đề mới nảy sinh, những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của tỉnh. Trong tổ chức thực hiện đã nỗ lực, quyết liệt, sáng tạo, nhất là đối với những việc mới, việc khó. Đây được coi là những điểm nhấn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị đối với việc thực hiện nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2020-2025.
Đảng ủy khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị chuyên đề về tăng cường xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong các đơn vị kinh tế tư nhân (tháng 9/2023).
Tinh thần đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã lan tỏa tới tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh. Phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của cấp ủy, chính quyền các cấp được đổi mới, đảm bảo khoa học, dân chủ, sâu sát, cụ thể, gần dân, sát dân; kịp thời cụ thể hóa, thể chế hóa, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng theo hướng đồng bộ, linh hoạt. Chất lượng TCCSĐ, năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh từng bước được nâng lên.
Công tác quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc có nhiều đổi mới. Việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành hệ thống văn bản nhằm cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, quy định... của trung ương về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai khẩn trương, xác đúng, đồng bộ, thống nhất và sớm đi vào cuộc sống.
Tp. Phan Rang - Tháp Chàm về đêm. Ảnh: Thái Huy
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tăng cường củng cố, xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ ĐV trong giai đoạn mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức của một số loại hình TCCSĐ và thí điểm sinh hoạt đảng trực tuyến và sinh hoạt đảng theo tổ đảng; phân công và chỉ đạo các đồng chí Tỉnh ủy viên dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư; ban hành hướng dẫn về tiêu chí và quy trình xây dựng mô hình “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ cơ sở bốn tốt” và các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc chỉ đạo thực hiện xây dựng chi, đảng bộ theo mô hình “Bốn tốt”. Chỉ đạo hoàn thành việc chuyển giao tổ chức đảng (TCĐ) và ĐV theo Quy định số 60-QĐ/TW ngày 8/3/2022 của Ban Bí thư về TCĐ trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước. Công tác phát triển ĐV có bước phát triển với hơn 2.100 ĐV mới được xem xét kết nạp trong nửa nhiệm kỳ, nâng tổng số ĐV của tỉnh lên 21.875 ĐV.
Công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Ban Chỉ đạo 35 tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, phát hiện sớm vấn đề nảy sinh, dự báo và đưa ra các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa kịp thời, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh chỉ đạo quyết liệt các ngành, các cơ quan, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục chủ động công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, nhất là chú trọng thực hiện công tác cải cách hành chính, công khai, minh bạch.
Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng tiếp tục được đổi mới, tăng cường trên cơ sở tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ nhiều quy định mới của Đảng, đã góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Qua nửa đầu nhiệm kỳ, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp trong tỉnh đã kiểm tra 1.413 TCĐ và 1.531 ĐV; giám sát chuyên đề đối với 836 TCĐ và 785 ĐV. Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những vi phạm, khuyết điểm, góp phần tích cực vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCĐ và nâng chất lượng ĐV, góp phần giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
Cán bộ Công ty Điện lực Ninh Thuận kiểm tra an toàn kỹ thuật thiết bị điện trước khi đưa vào vận hành.
Trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII, Kết luận số 21-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Chỉ thị số 05-CT/TW và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị cùng các quy định nêu gương của Đảng, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, TCĐ, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc việc tự phê bình và phê bình gắn với đánh giá CB lãnh đạo, quản lý từ tỉnh đến cơ sở theo đúng quy định, hướng dẫn của trung ương. Nội dung, quy trình, phương pháp đánh giá từng bước được đổi mới, cơ bản bảo đảm chặt chẽ, khách quan, thận trọng, có căn cứ và ngày càng đi vào thực chất. Các cấp ủy triển khai đến CB, ĐV ký cam kết trong việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng theo quy định của trung ương để theo dõi, giám sát, đồng thời làm cơ sở để kiểm điểm, đánh giá, xếp loại TCĐ và ĐV hằng năm.
Cùng với đó, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng tăng cường chỉ đạo, yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện nền nếp việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của nhân dân. Qua đó đã nắm chắc được tình hình ở khu dân cư, tâm tư, nguyện vọng của CB, ĐV và các tầng lớp nhân dân; giúp CB, ĐV gần dân, hiểu dân, sát dân và có trách nhiệm với dân; giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất và hạn chế đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Vai trò nêu gương của CB, ĐV cũng từng bước được khẳng định, góp phần củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Ngoài ra, hệ thống dân vận từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo... góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Năm 2024 được Tỉnh ủy xác định là năm “tăng tốc” thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng là tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, nhất là các nghị quyết, chỉ thị về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm CB, ĐV suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyến hóa”. Tập trung xây dựng đội ngũ CB lãnh đạo các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Chỉ đạo đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2025-2030. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ CB, ĐV; nâng chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Diễm My