Theo những hộ dân ở thôn Thuận Hòa, nhờ khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp nên cây trầu, cây cau triển rất tốt. Đặc tính của dây trầu nhạy cảm với các chất hóa học nên không thể tưới bằng nước máy, chỉ có thể tưới bằng nước sông hoặc nước giếng, an toàn cho sức khỏe người sử dụng. Đó cũng là lý do vì sao ngày xưa nhà nào trồng trầu, cau đều phải có giếng nước bên cạnh hoặc phải ở gần sông.
Làng trồng trầu cau ở thôn Thuận Hòa,
xã Phước Thuận (Ninh Phước). Ảnh: V.Miên
Trầu, cau vốn được xem như đặc trưng văn hóa trong giao tiếp của người Việt xưa “miếng trầu là đầu câu chuyện”, hay vào các dịp lễ, Tết, cưới hỏi,... hình ảnh mâm trầu cau luôn hiện hữu trên bàn thờ gia tiên, là lễ vật ra mắt gia đình quan viên hai họ. Nghề trồng trầu, cau ở Thuận Hòa không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng trong vườn mỗi gia đình đều có ít nhất vài chục gốc trầu, dăm ba gốc cau. Để rồi khi sinh ra và lớn lên, tuổi thơ của rất nhiều người gắn liền với hình ảnh hoa cau, vườn trầu của một làng quê mộc mạc.
Đã có một thời nghề trồng trầu, cau rất thịnh và mang lại thu nhập cao cho người dân ở thôn Thuận Hòa. Tuy nhiên, hiện nay diện tích trầu, cau ở thôn dần bị thu hẹp. Nếu như trước đây, toàn thôn có khoảng 30 hộ trồng với diện tích 6ha thì đến nay chỉ còn khoảng 11 hộ trồng với diện tích hơn 2ha. Là một trong những hộ có diện tích trồng trầu, cau lớn tại địa phương, ông Hưng tâm sự: Vườn trầu, cau của gia đình tôi có từ thời ông bà, đến nay cũng hơn 100 năm. Tôi gắn bó với hình ảnh cây cau, vườn trầu từ thuở bé. Mặc dù diện tích trầu, cau đã thu hẹp ít nhiều, chỉ còn khoảng 1,5 sào, nhưng tôi vẫn quyết tâm duy trì gìn giữ nét đẹp này.
Lá trầu, trái cau là biểu trưng văn hóa truyền thống tốt đẹp về
tình nghĩa thủy chung của người Việt Nam.
Cũng như ông Hưng, bà Lê Thị Thu Hồng có hơn 50 năm gắn bó với vườn trầu, cau trải lòng: Nghề trồng trầu, cau không phát triển như trước đây, nhưng nếu để mai một thì lại càng không nên. Do vậy, tôi vẫn cố gắng chăm chút cho vườn trầu, cau của gia đình. Tôi muốn con cháu biết về truyền thống ăn trầu tốt đẹp và lưu giữ khung cảnh làng quê mộc mạc, bình dị. Còn bà Tư Bê, biết đến nghề trồng trầu, cau từ thuở đôi mươi, nay đã chạm ngưỡng 70 tuổi, bà vẫn một lòng thủy chung với loại cây này. Dẫu nghề trồng trầu, cau có lúc thăng, lúc trầm, nhưng chưa bao giờ bà có ý định bỏ nghề bởi nhờ trồng trầu, cau mà bà nuôi các con khôn lớn và sửa sang nhà cửa khang trang hơn.
Mặc dù việc duy trì, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống ở một số địa phương, trong đó có các làng nghề đang gặp không ít khó khăn, nhưng rất cần những con người am hiểu gốc rễ, cội nguồn, yêu nét đẹp quê hương như ông Hưng, bà Bê hay bà Hồng, để từ đó trao truyền cho thế hệ trẻ những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.
Anh Thi