I. Mục đích, yêu cầu
1. Mục đích
a) Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh.
b) Xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2024 và đề ra các giải pháp thực hiện thiết thực và hiệu quả.
2. Yêu cầu
a) Thực hiện đúng, đầy đủ và kịp thời những nội dung đã được quy định trong Kế hoạch; các nội dung đề ra phải phù hợp với tình hình thực tế. Kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc phát sinh và đề xuất các giải pháp tháo gỡ để bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác đăng ký biện pháp bảo đảm.
b) Xác định cụ thể các nội dung công việc và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan trong việc triển khai Kế hoạch; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công.
II. Nội dung thực hiện
1. Triển khai, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm
Tiếp tục tham mưu triển khai Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm; Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm; trong đó tập trung phổ biến các nội dung mới, cơ bản của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm và các văn bản hướng dẫn thi hành.
a) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
b) Cơ quan phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị có liên quan.
c) Thời gian thực hiện: Trong năm 2024.
2. Tham mưu điều chỉnh Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh
Căn cứ Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành thực hiện rà soát Quyết định số 39/2020/QĐ-UBND ngày 22 tháng 9 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp.
Các cơ sở nhà đất đang đầu tư xây dựng trên địa bàn phường Mỹ Bình (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Văn Nỷ
a) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
b) Cơ quan phối hợp: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
c) Thời gian thực hiện: Trong quý II năm 2024.
3. Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đăng ký biện pháp bảo đảm cho Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm và các văn bản pháp luật khác có liên quan
a) Đơn vị chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường.
b) Đơn vị phối hợp: Sở Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
c) Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
4. Tổ chức kiểm tra liên ngành hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm tại Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh về kết quả thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm
a) Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp.
b) Đơn vị phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
c) Thời gian thực hiện: Quý III năm 2024 (có Kế hoạch kiểm tra riêng).
5. Rà soát các thủ tục hành chính về đăng ký biện pháp bảo đảm
Tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính về đăng ký biện pháp bảo đảm để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.
a) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
b) Cơ quan phối hợp: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
c) Thời gian thực hiện: Trong năm 2024.
III. Tổ chức thực hiện
1. Sở Tư pháp
a) Chủ động tham mưu, triển khai có hiệu quả các nội dung nêu tại mục II Kế hoạch này; phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch.
b) Theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nội dung đã đề ra trong Kế hoạch đảm bảo đúng tiến độ; tổng hợp, báo cáo thống kê hàng năm hoặc báo cáo chuyên đề, đột xuất về hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.
c) Chỉ đạo các Tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan có thẩm quyền chứng thực thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thực hiện việc trao đổi, cung cấp thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; tích cực tra cứu thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm, đẩy mạnh chia sẻ thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm nhằm giúp các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân ký kết, thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm an toàn, đúng pháp luật.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Chủ trì tham mưu triển khai có hiệu quả các nội dung nêu tại khoản 3 Mục II Kế hoạch này và phối hợp với Sở Tư pháp, các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện các nội dung được phân công tại Kế hoạch này.
b) Chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai Ninh Thuận thực hiện báo cáo thống kê hàng năm hoặc báo cáo chuyên đề, đột xuất về hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất gửi Sở Tư pháp theo Điều 10 Thông tư số 07/2019/TT-BTP, Điều 10 Thông tư số 03/2019/TT-BTP ngày 20/3/2019 của Bộ Tư pháp quy định một số nội dung về hoạt động thống kê của ngành Tư pháp.
3. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận: Phối hợp Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh quán triệt và triển khai thực hiện đúng các nội dung theo quy định của Nghị định số 99/2022/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
4. Sở Tài chính: Có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm trên địa bàn tỉnh.
Quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân liên quan kịp thời phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tư pháp và Sở Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao). Giao Sở Tư pháp tổng hợp, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.
NT