(NTO) Toàn tỉnh có hơn 1.000 doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề. Ở lĩnh vực du lịch, có 42 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ một đến bốn sao đang hoạt động với sức chứa hơn 3.000 du khách lưu trú mỗi ngày. Công suất phòng nghỉ bình quân đạt 61%/năm, hệ số lưu trú trung bình năm đạt 1,9 khách/ngày. Hệ thống kinh doanh du lịch luôn được sắp xếp, đổi mới phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông Nguyễn Trần Vượng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở VH, TT&DL tỉnh) cho biết: Sáu tháng đầu năm nay, qua những hoạt động hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ-Phú Yên năm 2011 tại Ninh Thuận, như: tổ chức sự kiện Điêu khắc quốc tế, thi triển lãm ảnh đẹp Ninh Thuận; giải Muay Thái quốc tế-Ninh Thuận; tổ chức tour tham quan các làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm -Tháp Po Klong Garai - Nho Thái An - xem san hô vịnh Vĩnh Hy... đã thu hút 450 ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 195 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, đạt 59% kế hoạch năm.
Đến năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu đạt doanh thu du lịch từ 800-900 tỷ đồng.
Trong ảnh: Du khách đến nghỉ dưỡng tại các khách sạn trong tỉnh. Ảnh: Văn Miên
Đồng chí Vũ Đình Trọng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, số thu của 42 khách sạn, cơ sở hoạt động du lịch chỉ trên 3,5 tỷ đồng. Điều đáng nói ở đây là có nhiều khách sạn từ hai đến bốn sao được xây dựng hoành tráng ở khu vực bãi biển Bình Sơn – Ninh Chữ, hoạt động từ ba đến mười năm, được xem là những “đàn anh” trong kinh doanh du lịch của tỉnh, nhưng nộp ngân sách chưa cao. Đơn cử như Khách sạn Sài Gòn – Ninh Chữ (4 sao), trong sáu tháng đầu năm nay chỉ nộp ngân sách 753 triệu đồng; Resort Thái Bình, nộp 6 triệu đồng hay Resort Con gà Vàng, nộp 2 triệu đồng… Các chủ khách sạn cho hay, lượng khách đến nghỉ dưỡng luôn tăng. Vào mùa hè, dịp lễ, tết, phần lớn khách sạn, nhà nghỉ đều hết phòng.
Những năm qua, tỉnh ta luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch. Cụ thể: nhà đầu tư được giao đất để xây dựng khách sạn, khu Resort ở những vị trí “đắc địa” với diện tích tối thiểu cũng vài héc-ta và được hưởng các chế độ ưu đãi đặc biệt... Về phía tỉnh, mong muốn hoạt động du lịch sẽ mang lại quyền lợi cho cả hai bên. Nhưng thực tế cho thấy, mục tiêu mà tỉnh đặt ra là tăng nguồn thu ngân sách từ hoạt động du lịch chưa được trọn vẹn. Nếu căn cứ báo cáo của Sở VH,TT&DL tỉnh, cho thấy doanh thu của ngành “công nghiệp không khói” có chuyển biến rất tích cực. Ngược lại, thu ngân sách ở lĩnh vực này chưa tới 4 tỷ đồng. Từ con số này, dư luận đặt câu hỏi là do các doanh nghiệp chưa trung thực kê khai doanh thu; do ngành VH,TT&DL cố “bơm” số lượng du khách đến tỉnh ta nhiều để lấy thành tích hay là ngành Thuế đang buông lỏng quản lý hoạt động du lịch, làm ảnh hưởng đến tổng thu ngân sách hàng năm của tỉnh ?
Tour du lịch các làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm -Tháp Po Klong Garai -
Nho Thái An - xem san hô vịnh Vĩnh Hy... đã thu hút đông du khách trong
và ngoài nước đến tham quan. Trong ảnh: Nho Thái An. Ảnh: Văn Miên
Nhiều ý kiến cho rằng, ngành Thuế cần công khai số nộp ngân sách của các doanh nghiệp hàng tháng, quý, năm. Mục đích để các doanh nghiệp có chung ngành nghề nắm bắt và sẽ hỗ trợ cho cơ quan thuế kịp thời phát hiện, xử lý những doanh nghiệp cố tình giấu doanh thu để trốn thuế. Đây là một trong những việc làm tích cực trong cải cách hành chính cũng như tạo sự công bằng đối với các doanh nghiệp. Được biết, trong thời gian qua, để nâng cao nguồn thu từ hoạt động kinh doanh du lịch, ngành Thuế đang tập trung triển khai chặt chẽ những quy định theo Luật Quản lý thuế, tăng cường giám sát kê khai; phối hợp đồng bộ với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý thuế. Tuyên truyền sâu rộng các quy định về thuế để nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp chấp hành mở sổ sách kế toán, sử dụng hóa đơn chứng từ, để thực hiện nghiêm túc việc kê khai và nộp thuế. Yêu cầu các cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ phải kê khai đăng ký giá với cơ quan tài chính, cơ quan thuế trực tiếp quản lý theo từng loại phòng và theo các mùa vụ trong năm. Giá dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ thuộc diện bắt buộc phải được niêm yết tại quầy lễ tân. Các cơ sở kinh doanh du lịch phải lập hóa đơn đúng theo số lượng khách, số phòng đã đăng ký và giá ghi trên hóa đơn tối thiểu phải bằng mức giá của cơ sở kinh doanh đăng ký để hạn chế việc giấu doanh thu nhằm mục đích trốn thuế.
Năm nay, dự kiến sẽ thu hút khoảng 800 nghìn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh với doanh thu 20%- 22%. Hiện nay, tỉnh ta cũng đang triển khai nhiều dự án du lịch lớn cũng như quy hoạch mở rộng các khu du lịch Cà Ná, hồ Tân Giang, thác Tiên - thác Sa Kai, hồ Sông Trâu, khu du lịch Mũi Dinh, Vườn Quốc gia Phước Bình gắn với hồ Sông Sắt – bẫy đá Pi-năng Tắc, vườn Quốc gia Núi Chúa gắn với công viên Đại Dương và khu Trung tâm nghiên cứu Rùa biển… Nhưng nếu ngành Thuế không quyết liệt triển khai các biện pháp chống thất thu thuế, thì chắc chắn thu ngân sách từ hoạt động kinh doanh du lịch sẽ còn bị thất thu nhiều hơn.
Khải Bích