Hợp tác để phát triển

(NTO) Theo đề án xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 47 xã thực hiện với trên 398.800 dân, chiếm 64% so với tổng số dân trong tỉnh. Điều cũng đáng nói là số hộ nghèo, đói ở khu vực này còn chiếm tỷ lệ khá cao với gần 16% so với mặt bằng chung của tỉnh.

Qua khảo sát thực trạng về nông thôn cho thấy còn có không ít vấn đề về xã hội khá nan giải như : khoảng cách giàu – nghèo, xu hướng phân hoá giàu nghèo gia tăng trong nội bộ khu vực nông thôn, đặc biệt là giữa nông thôn với đô thị; tình trạng thiếu việc làm ; dân trí thấp; dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ còn hạn chế; kết cấu hạ tầng thấp kém; môi trường bị ô nhiễm ... Hiện nay, thiếu hụt nhất ở khu vực này vẫn là tri thức và thông tin khoa học hiện đại cần được chuyển giao một cách có hệ thống.

Một thực trạng cũng rất đáng quan tâm đó là từ nhiều năm qua bằng nội lực, đa phần người dân nông thôn chỉ đủ đảm bảo cho cuộc sống thường nhật, khó có thể tích lũy để tái sản xuất mở rộng và “đầu tư” nâng cao chất lượng cuộc sống cho các thành viên trong gia đình như chăm sóc về y tế, giáo dục...

Mục tiêu tỉnh ta xác định là đến năm 2015 toàn tỉnh có 11/47 xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, chiếm 23% số xã trong đề án, qua đó phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong các xã nói trên xuống còn 8%...Do vậy, thiết nghĩ để nông thôn tỉnh ta phát triển bền vững bên cạnh phát huy nội lực, quyết tâm đổi mới người dân nông thôn rất cần đến sự hỗ trợ từ bên ngoài như quy hoạch và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án phát triển; đào tạo, nâng cao năng lực toàn diện của nông dân; mở rộng mô hình hợp tác giữa “tam nông” với các khu vực khác của xã hội; hợp tác 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học) theo nguyên tắc các bên cùng có lợi… Đây cũng là cơ sở để từng bước giải quyết có hiệu quả những vấn đề nan giải ở nông thôn như đã nêu trên.