Tổ chức lại sản xuất theo quy hoạch, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn, dạy nghề thiết thực gắn với điều kiện cụ thể của từng vùng, giải quyết việc làm để tăng thu nhập cho người lao động, nhằm hạn chế tối đa thời gian nông nhàn... là những giải pháp cụ thể đang được tổ chức thực hiện ở các vùng nông thôn tại nhiều địa phương.
Tháng 11/2009, Thủ tướng ban hành Quyết định 1956/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 1 năm thực hiện, cả nước đã đào tạo nghề cho 345.140 lao động nông thôn, tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt khoảng 70%. Đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố đã hoàn thành công tác điều tra, trong đó 35 tỉnh đã tổng hợp nhu cầu học nghề, danh mục nghề đào tạo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành thí điểm đào tạo nghề theo thẻ tại Thanh Hóa và Bến Tre, bước đầu có kết quả tích cực.
Có thể kể tới một số trường hợp cụ thể như tại Đà Nẵng, để giúp nông dân không rơi vào cảnh thất nghiệp, ly hương, từ năm 2010 đến nay, Hội Nông dân thành phố đã mở các lớp dạy nghề, giúp hơn 700 hộ nông dân có việc làm và thu nhập ổn định.
Với diện tích đất nông nghiệp còn lại không nhiều, Hội Nông dân Đà Nẵng chọn dạy các nghề trồng nấm, hoa-cây cảnh. Các lớp dạy nghề tổ chức tại cộng đồng dân cư và dạy theo phương châm cầm tay chỉ việc. Mỗi lớp tiến hành trong 3 tháng với 30-32 học viên.
Thời gian qua, Hội Nông dân Đà Nẵng đã mở được 24 lớp trồng nấm và cây cảnh. Mỗi lớp học được Hội đầu tư nguyên liệu sản xuất, giống, phụ liệu và các vật liệu để thực hành.
Nhiều người học xong, đã áp dụng sản xuất nấm linh chi và đều đạt kết quả tốt, có hộ thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng.
Tạo thêm việc làm có thu nhập cao, tranh thủ thời gian nông nhàn, hay đổi mới, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả cũng là giải pháp hữu hiệu để tránh tình cảnh “ly nông, ly hương”.
Xuân Lộc là huyện miền núi được tách ra từ huyện Long Khánh (Đồng Nai ). Từ một huyện nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 2.230.000 đồng/năm; hộ đói nghèo theo chuẩn cũ chiếm 20,8% dân số toàn huyện.
Qua 20 năm đổi mới, Xuân Lộc đã trở thành một huyện có nền nông nghiệp phát triển bậc nhất của tỉnh, trong đó việc phát triển theo mô hình kinh tế trang trại, hay liên kết hình thành các câu lạc bộ năng suất cao đã mang lại hiệu quả rất lớn và đang là sự lựa chọn số 1 cho sự phát triển nông nghiệp của huyện trong thời gian tới.
Theo báo cáo của huyện Xuân Lộc, hiện nay toàn huyện có 817 trang trại, trong đó có 55 trang trại cây hàng năm; 504 trang trại cây lâu năm, cây ăn quả; 222 trang trại chăn nuôi; 7 trang trại lâm nghiệp, 1 trang trại nuôi trồng thuỷ sản và 28 trang trại sản xuất kinh doanh tổng hợp. Tổng số lao động thường xuyên của trang trại là 2.990 người.
Là một xã đất không rộng, diện tích gieo trồng chỉ có trên 1300 ha và nếu chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp thuần tuý, đời sống nhân dân Xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định sẽ gặp không ít khó khăn, rất dễ lâm vào cảnh “ly hương”.
Vì vậy, trong những năm qua, lãnh đạo xã đã khôi phục và phát huy làng nghề truyền thống.
Đến xã Nhơn Lộc hôm nay, bộ mặt nông thôn mới đã hoàn toàn khởi sắc. Hiện nay các làng nghề nổi tiếng của Nhơn Lộc đã được đầu tư phát triển mạnh. Trong đó nghề sản xuất rượu Bàu Đá trước đây chỉ có 35 hộ ở thôn Cù Lâm Bắc, đến nay có trên 1.500 hộ.
Còn nghề sản xuất bánh tráng cũng có từ lâu đời và đến nay toàn xã đã có 200 hộ sản xuất tại các lò thủ công. Nghề đan lát thuộc thôn Đông Lâm cũng đang thu hút khoảng 100 hộ.
Kể từ khi các làng nghề trong xã được khôi phục và phát triển, đến nay đã thu hút trên 1.000 lao động ở mọi lứa tuổi. Bình quân thu nhập đầu người đến nay đạt trên 15 triệu đồng/người/năm, trong đó có 30% số hộ/trên tổng số hơn 2.200 hộ trong xã đạt mức giàu có với thu nhập bình quân từ 100 - 200 triệu đồng/năm.
Theo www.chinhphu.vn