(NTO) Ngoằn ngoèo theo những con đường nhỏ dưới chân núi Xu-ra, chúng tôi tìm đến đất rẫy của gia đình chị Tà-in Thị Phin và anh Chamaléa Xấy, thôn Đồng Dày, xã Phước Trung, huyện Bác Ái. Trong căn lều nhỏ với cái nóng oi bức của trưa hè nhưng vẫn đầy ắp tiếng cười. Chị Tà-in Thị Phin tiếp chúng tôi với nụ cười niềm nở: “Mấy hôm nay 2 con về nghỉ hè, cả nhà đông đủ nên vui. Làm việc dù mệt, nghe con kể chuyện đi học vui là quên hết”.
Giờ nghỉ giải lao của 3 mẹ con chị Tà-in Thị Phin trong những ngày làm đồng.
2 con mà chị Phin nhắc đến là em Tà-in Thị Nin, hiện đang học năm cuối ngành Sư phạm Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận và cô em út Tà-in Thị Cảnh, học sinh lớp 11, trường THPT Bác Ái. Dù điều kiện kinh tế gia đình hết sức khó khăn nhưng cả 2 em đều là học sinh khá, giỏi. Đặc biệt, em Tà-in Thị Nin sắp trở thành cô giáo, đúng với ước mơ, nguyện vọng của gia đình. Niềm vui ấy cũng thể hiện rõ trên nét mắt của chị Tà-in Thị Phin –người mẹ nghèo không biết chữ, đã nỗ lực đến cùng để con được trở thành cô giáo.
Chị Phin kể: “Nhà mình có gần 2 mẫu đất rẫy nhưng mùa này khô hạn nên không trồng được cây gì cả. Chỉ có 2 sào ruộng nhờ nước hồ tưới nên gieo được lúa. Cơm gạo của cả nhà và tiền học của con dựa vào mấy sào ruộng lúa đó”. Chỉ tay về những vạt lúa xanh tốt, chị Phin cũng kể chúng tôi nghe về “lịch sử” của những ngày cả gia đình cật lực khai hoang, cải tạo ruộng. Trước đây không có nước tưới, cả ruộng và đất rẫy đều chỉ dựa vào nước trời. Năm 1996, thôn Đồng Dày dấy lên phong trào đào hồ chứa nước. Nhà nghèo không thuê được máy, gia đình chị Phin tự bỏ công sức đào hồ chứa nước tưới phục vụ sản xuất. Cả gia đình chị Phin như những chú ong chăm chỉ cần mẫn khai hoang thêm từng thước ruộng, nới rộng thêm từng mét khối nước phục vụ tưới tiêu, chăn nuôi. Chăm chỉ, chịu khó là vậy nhưng với một năm 2 vụ lúa, một mùa rẫy vẫn không đủ để lo cái ăn cho cả nhà 6 người và 2 cô con gái đi học… Cả 2 con đều học xa nhà nên ngoài tiền sách vở, áo quần… chị Phin còn phải chạy vạy từng bữa lo gửi cho con tiền ăn ở, sinh hoạt. Thương mẹ vất vả, nợ nần… cả 2 đứa con anh chị chăm chỉ học và tiết kiệm trong chi tiêu. Mỗi lần về thăm nhà thấy ba mẹ vất vả, phải vay mượn hàng xóm hay bán hết lúa, mì trong nhà đề dành tiền cho mình lên trường, cô con út Tà-in Thị Cảnh cũng nhiều lần xin ba mẹ nghỉ học để đi làm thuê, dành thêm tiền cho chị gái đang học ở Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh. Mỗi lần như vậy, chị Phin lại gạt đi nỗi vất vả khó nhọc để động viên con. Chị nói: “Vợ chồng tui chưa bao giờ được đi học, chúng tôi không biết chữ. Thế nên khổ cực mấy cũng phải ráng cho con học đàng hoàng. Có học, có hiểu biết thì mới không khổ như ba mẹ được”.
Vất vả vì con nhưng gương mặt chị Tain Thị Phin luôn rạng rỡ niềm vui. Mỗi dịp hè hay cuối tuần cả nhà đông đủ, vợ chồng chị lại được nghe 2 cô con gái đi học kể chuyện ở trường, ở thành phố… và không lâu nữa, em Tà-in Thị Nin tốt nghiệp sẽ trở thành cô giáo. Dẫu lưng có còng thêm, mặt thêm nếp nhăn và mái đầu thêm bạc… người mẹ nghèo Ra glai Tà-in Thị Phin vẫn thấy hạnh phúc.
Bích Thủy