Triển khai dự án phòng chống bệnh đái tháo đường

Dự án sẽ được thực hiện trong 3 năm (2011-2014) tại TP Ninh Bình và thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình với sự tham gia tình nguyện của hơn 6 vạn dân.

Hội nghị triển khai dự án tại Ninh Bình. Ảnh: Chinhphu.vn/Quang Hiếu

Đái tháo đường là căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng con người và gây nhiều tổn thất kinh tế cho xã hội do chi phí điều trị rất cao. Bệnh đái tháo đường, trong đó chủ yếu là đái tháo đường type 2 chiếm 85 - 95%. Đây là bệnh do tác động qua lại của cả 2 yếu tố là di truyền và môi trường.

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy nếu loại trừ tình trạng thừa cân, béo phì và ít hoạt động thể lực (2 yếu tố nguy cơ chính gây bệnh) thì có thể phòng ngừa việc nhiễm căn bệnh này.

Một hướng phòng chống bệnh được chú ý là việc can thiệp lối sống cộng đồng, thay đổi hành vi ăn uống sinh hoạt (thay đổi chế độ ăn thừa đạm, mỡm chất béo bằng sinh hoạt ăn/ngủ điều độ, vận động thể lực hợp lý) được coi là giải pháp dự phòng hiệu quả, ngăn ngừa tình trạng gia tăng tỷ lệ người mắc đái tháo đường hiện nay.

Dự án “Nghiên cứu can thiệp lối sống dựa vào cộng đồng để phòng chống bệnh đái tháo đường týp 2” do Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa (Đại học Y Hà Nội) thực hiện là 1 trong 2 dự án đã vượt qua hàng trăm dự án của gần 200 quốc gia trên thế giới được Hội Đái tháo đường thế giới (IDF) lựa chọn sau 4 lần kiểm tra gắt gao.

Dự án sẽ được thực hiện trong 3 năm (2011-2014) tại TP Ninh Bình và thị xã Tam Điệp với sự tham gia tình nguyện của hơn 6 vạn dân. Theo đó, sẽ lựa chọn những người trong độ tuổi từ 30-69 (nhóm̀ nguy cơ cao) ra 3 nhóm đã mắc/có nguy cơ mắc/và tiền đái tháo đường (sắp mắc bệnh). Tất cả sẽ được khám sức khỏe, đo đường huyết, phân tích nguy cơ cũng như hiện trạng sức khỏe cơ thể theo định kỳ 3,6,12 tháng/ 1 lần. Số người nói trên sẽ được tư vấn và hướng dẫn cách sinh hoạt, ăn uống, vận động với một chế độ hợp lý, khoa học.

Cứ sau 6-12 tháng, dự án sẽ kiểm tra lại sức khỏe và xem xét sự̣ thay đổi các chỉ số về lượng mỡ, đường trong máu để đánh giá hiệu quả từ thay đổi chế độ sinh hoạt, khẩu phần ăn và lối sống.

Sau 3 năm thực hiện dự án, kết quả sẽ là căn cứ để đưa ra mô hình và các kỹ thuật, tài liệu về phương thức can thiệp lối sống cộng đồng để phòng chống căn bệnh này.

Thông qua dự án, ngành Y tế Ninh Bình sẽ có cơ hội đào tạo được đội ngũ nghiên cứu viên, các bác sĩ và y tá chuyên về can thiệp phòng chống đái tháo đường tại các địa phương mà dự án triển khai. Đây sẽ là những cán bộ nòng cốt để triển khai phòng chống bệnh đái tháo đường tại địa phương.

Ngoài ra, kết quả thu được sẽ góp phần cho việc hoạch định chính sách, để từ đó ngành Y tế nói chung có các hành động thiết thực trong công tác phòng chống bệnh đái tháo đường trên toàn quốc, lâu dài một cách hệ thống, bài bản, giảm tỷ lệ người mắc bệnh. Qua đó hình thành lối sống lành mạnh, khoa học giúp không chỉ ngăn ngừa bệnh đái tháo đường mà còn nhiều bệnh không lây nhiễm khác như tim mạch, huyết áp cao trogn cộng đồng.

Theo chinhphu.vn