Thời tiết mùa hè trở nên nắng nóng nên con người thì mau mệt do bị mất nước qua mồ hôi; không muốn ăn nên sức đề kháng kém; vi khuẩn dễ phát triển trong môi trường giàu dinh dưỡng như trong thức ăn. Do vậy, an toàn vệ sinh thực phẩm trong mùa nắng nóng là vấn đề cần được quan tâm.
Theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, chúng ta cần mua thực phẩm vào buổi sáng, chọn những thực phẩm tươi tự nhiên để tránh ngộ độc. Hiện nay các loại thực phẩm như: tôm, cá, thịt bày bán ở các chợ thường bị phơi nắng suốt cả ngày rất dễ bị hư. Vì sau khi giết mổ 4 giờ những enzyme có sẵn trong thịt, cá, tôm… sẽ bắt đầu phân hủy, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Thịt để càng lâu thì lượng độc chất càng tăng (để từ 4 giờ sáng đến 16 giờ chiều, lượng vi khuẩn tăng khoảng 500- 600 lần). Nếu chúng vẫn còn giữ màu tươi nguyên chính nhờ vào các “kỹ thuật bảo quản” không an toàn: thịt, cá có tẩm các loại chất độc hại như hàn the, u-rê… thì khả năng ngộ độc còn cao hơn nhiều.
Bảo quản thực phẩm bằng cách làm lạnh hoặc đông đá thực phẩm. Ngay khi đi chợ về nhanh chóng làm sạch các loại thức ăn, phần nào chưa dùng ngay thì cho vào hộp đậy nắp và đưa vào dự trữ ở ngăn đá (đối với các loại thịt, cá, tôm) hoặc ngăn mát (các loại rau, củ, quả). Nên lưu ý phân chia thực phẩm ra những phần nhỏ vừa đủ ăn mỗi bữa hay mỗi ngày trước khi cho vào tủ lạnh, khi dùng chỉ lấy ra từng phần nhỏ là tốt nhất, nên để cách ly thực phẩm sống và chín trong tủ lạnh.
Luôn rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn. Thực phẩm tươi sống cần được rửa sạch và nấu chín kỹ, đặc biệt là thịt heo, thịt gia cầm, trứng và hải sản để diệt mầm bệnh. Mầm bệnh phát triển rất nhanh trong thực phẩm còn ấm, thức ăn nên nấu vừa đủ ăn trong ngày và cần phải ăn ngay sau khi nấu. Thức ăn không nên hâm đi hâm lại nhiều lần, tránh việc mất nhiều chất dinh dưỡng và tạo ra các chất có hại cho sức khỏe trong thức ăn. Không ăn các thức ăn bán ở vỉa hè, hàng rong; hạn chế ăn uống ngoài đường phố nơi không bảo đảm vệ sinh.
Chúng ta cũng cần chú ý giữ gìn vệ sinh môi trường, đặc biệt tất cả các loại phân cần phải được xử lý an toàn. Vì trong phân chứa rất nhiều mầm bệnh, trong đó mầm bệnh gây tiêu chảy, sốt bại liệt, tả, lỵ, thương hàn và bệnh tay, chân, miệng đang xảy ra nhiều nơi ở tỉnh ta.
Tất cả mọi người kể cả trẻ em cần phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi tiêu để loại bỏ các mầm bệnh ở tay. Trẻ em cần phải được dạy rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn để phòng bệnh. Vì trẻ nhỏ thường đút tay vào miệng, nên cần phải rửa tay thường xuyên, nhất là sau khi trẻ chơi bẩn hoặc chơi đùa với động vật nuôi trong nhà.
Trung tâm Truyền thông – GDSK Ninh Thuận