HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 64 NĂM NGÀYTHƯƠNG BINH-LIỆT SĨ (27-7-1947 – 27-7-2011)

An Hải phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

(NTO) An Hải là xã vùng cuối kênh của huyện Ninh Phước có diện tích tự nhiên gần 2.092 ha, với dân số trên 14.500 người (3.550 hộ). Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, nhân dân An Hải đã không quản ngại hy sinh, gian khổ đóng góp sức người, sức của cho cách mạng. Ghi nhận thành tích trên, cuối năm 2005, Nhà nước đã phong tặng xã An Hải danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

An Hải hiện có 312 đối tượng chính sách, trong đó có 5 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (đã từ trần), 38 thương, bệnh binh các hạng, 6 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất hóa học, 153 gia đình liệt sĩ (trong đó có 10 gia đình hưởng tuất) và 110 người tham gia hoạt động kháng chiến hoặc bị tù đày tra tấn. Bằng nhiều biện pháp tích cực, An Hải đã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ chính sách vươn lên về mặt kinh tế gia đình. Đồng chí Cao Thắng, cán bộ chính sách xã hội xã khẳng định: “Các hộ đối tượng chính sách trong xã đều có nhà xây khang trang, nhờ hàng năm xã huy động các nguồn lực và được cấp trên phân bổ vốn hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở”. Trong 6 tháng đầu năm nay, An Hải đã triển khai sửa chữa nhà ở cho 10 hộ đối tượng chính sách, với số tiền 120 triệu đồng. Tính từ trước đến nay, bằng các nguồn lực huy động được, An Hải đã xây dựng được hơn 10 nhà tình nghĩa tặng cho các đối tượng chính sách và dự kiến sắp đến sẽ xây thêm 2 nhà tình nghĩa từ nguồn vốn của trên phân bổ.

Trong những năm qua, thấm nhuần truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, người dân An Hải đã tích cực tham gia đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” vượt chỉ tiêu hàng năm. Hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày 27-7 và Tết Nguyên đán, An Hải đều tổ chức xe đưa đón thân nhân 37 gia đình liệt sĩ đi viếng mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh và Nghĩa trang Liệt sĩ Bình Thuận. Không chỉ thực hiện đầy đủ các chính sách đền ơn đáp nghĩa, An Hải còn giúp đỡ tạo việc làm cho một số đối tượng. Đơn cử trước đây có 2 thương binh hạng 2/4 là Trần Dũng và Hồ Văn Chiến có hoàn cảnh gia đình khó khăn đã được xã bố trí làm nhân viên bảo vệ Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai và Trường Tiểu học An Thạnh, nhờ vậy cuộc sống họ đã dần ổn định. Điểm đáng chú ý là bên cạnh việc gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, không ít gia đình đối tượng chính sách ở An Hải đã vượt khó, tự lực vươn lên cải thiện cuộc sống. Điển hình có ông Lê Tấn Phát, thương binh ở thôn Long Bình 1 nhờ cần cù nuôi bò, trồng táo và ông Lê Đức Thành, bệnh binh ở thôn Long Bình 2, chăm chỉ với nghề thợ mộc gia truyền nên đã xây dựng nhà cửa khang trang và có cuộc sống sung túc, trở thành người khá giả tại địa phương. Đồng chí Cao Thắng giải thích thêm: “Từ chế độ ưu đãi của Nhà nước, nhiều đối tượng chính sách đã tận dụng cơ hội để vươn lên, tự thân phát triển kinh tế gia đình”.

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, An Hải đã được tuyên dương là xã tiêu biểu về công tác chăm sóc các đối tượng chính sách ở huyện Ninh Phước. Về An Hải vào những ngày tháng 7 tri ân, chúng tôi cảm nhận được sự chuẩn bị chu đáo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc bày tỏ lòng biết ơn các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước bằng các việc làm cụ thể thiết thực. Đây sẽ là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân An Hải ngưỡng vọng về quá khứ hào hùng của cha ông, qua đó ý thức rõ bổn phận của mình đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.