Thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-TU ngày 25/01/2022 của Tỉnh ủy

Ngày 4/12/2023, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã ký ban hành Thông báo số 652-TB/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết luận về kết quả giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-TU ngày 25/01/2022 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thông báo nêu rõ: Ngày 21/11/2021, Đoàn Giám sát theo Quyết định số 1519-QĐ/TU, ngày 27/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có báo cáo số 01-BC/ĐGS về kết quả giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-TU ngày 25/01/2022 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (viết tắt là Nghị quyết số 21-NQ/TU); trên cơ sở ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (theo văn bản số 2368-CV/VPTU, ngày 30 tháng 11/2023 của Văn phòng Tỉnh ủy); Ban Thường vụ Tỉnh uỷ kết luận như sau:

1. Những kết quả đạt được, nguyên nhân

1.1. Kết quả đạt được

Cơ bản thống nhất với báo cáo số 01-BC/ĐGS của Đoàn giám sát, đồng thời nhấn mạnh: Với tinh thần nghiêm túc, Đoàn Giám sát đã phát huy vai trò, trách nhiệm được giao, chủ động triển khai nhiệm vụ, tiến hành giám sát trực tiếp tại 07 cấp ủy, tổ chức đảng, giám sát thông qua báo cáo đối với 04 cấp ủy, tổ chức đảng; xây dựng báo cáo, lấy ý kiến các cơ quan liên quan, tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo theo đúng yêu cầu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đảm bảo đúng quy trình, quy định của Đảng.

Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU của Tỉnh ủy đã có bước chuyển biến rõ nét, đó là: Đảng bộ và cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành liên quan và các huyện ủy, thành ủy đã tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, cụ thể hóa bằng các nghị quyết, kế hoạch, quyết định, triển khai thực hiện với nhiều sáng kiến mới, hiệu quả như: thành lập các tổ giải quyết khó khăn vướng mắc của cấp cơ sở, doanh nghiệp và người dân; tổ khảo sát, đánh giá công tác quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường; tổ kiểm tra trật tự đô thị; gắn các camera giám sát an ninh và công tác bảo vệ môi trường. Qua đó tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức đúng, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng và nâng cao vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng dân cư, tổ chức, Nhân dân về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường. Công tác quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường đã được các cấp ủy đảng, chính quyền xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt; đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Nhân dân, đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện. Qua đó, đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 21-NQ/TU của Tỉnh ủy đề ra trong giai đoạn 2022-2023: hoàn thành phê duyệt bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của 07 huyện, thành phố; kế hoạch phát triển nguồn thu ngân sách từ nguồn lực đất đai và công tác thống kê đất đai hàng năm; các Nghị quyết về danh mục các dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác, loại bỏ và điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án phải thu hồi đất; công tác đo đạc bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với các thửa đất đủ điều kiện, lập hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu địa chính; rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh; khắc phục nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản; công tác bảo vệ môi trường luôn được quan tâm, triển khai thực hiện, các chỉ tiêu về môi trường được duy trì tốt và vượt, các hoạt động có nguy cơ ô nhiễm được kiểm soát chặt chẽ.

1.2. Nguyên nhân những kết quả đạt được

Được sự quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của các cấp ủy, tổ chức đảng; có sự thống nhất cao trong nội bộ và sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân; sự nỗ lực, phấn đấu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở với mục tiêu sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Các cấp uỷ, tổ chức đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, triển khai thực hiện với tinh thần khẩn trương, với quyết tâm chính trị cao, kiên quyết, kiên trì, có trọng tâm, trọng điểm; gắn với kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện; chủ động rà soát, ban hành đầy đủ, kịp thời văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường, tạo ra hành lang pháp lý và chủ động giải quyết tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường.

2. Hạn chế, nguyên nhân

2.1. Hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số hạn chế như sau: Công tác dự báo, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sử dụng đất chưa kịp thời và đồng bộ; công tác định giá đất chưa kịp thời; quản lý, sử dụng đất công ích, đất đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng, đất từ nông lâm trường còn nhiều tồn tại, hạn chế; các thủ tục về chuyển mục đích sử dụng đất rừng, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường ở một số địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa thật sự quyết liệt trong xử lý các vi phạm; tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường, nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn xảy ra. Việc thực hiện thủ tục hành chính còn hạn chế; công tác chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường chưa kịp thời; việc bố trí kinh phí, huy động nguồn lực xã hội để triển khai nhiệm vụ và thực hiện các dự án ưu tiên còn nhiều khó khăn.

2.2. Nguyên nhân của những hạn chế

Những hạn chế nêu trên có nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhận chủ quan là do: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có lúc, có nơi chưa thật sự quyết liệt; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết; bố trí nguồn lực để triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, dự án ưu tiên còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu; cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng còn thiếu; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và trình độ chuyên môn.

3. Một số nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU trong thời gian đến

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TU của Tỉnh ủy trong thời gian đến, cần xác định công tác quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp uỷ Đảng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong tỉnh; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; Ban Thường vụ Tỉnh yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

3.1. Tiếp tục rà soát, định hướng, chỉ đạo tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến Nghị quyết số 21-NQ/TU và các chủ chương, chính sách có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong công tác quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế.

3.2. Khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác lập, công khai, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công tác định giá giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất, hỗ trợ bồi thường và tái định cư, công tác giao đất, cho thuê đất, đo đạc, cấp giấy chứng nhận QSDĐ; quản lý chặt chẽ các loại đất, nhất là đất công ích, đất chưa sử dụng, đất đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng, đất nông lâm trường quản lý, đất giao đã cho các tổ chức sử dụng,... theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chỉ tiêu phân khai đã được phê duyệt, cập nhật đầy đủ, kịp thời số liệu vào cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng; khẩn trương rà soát, hoàn thiện pháp lý những trường hợp làm nương rẫy trên đất rừng cho phù hợp thực tế, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định pháp luật có liên quan.

3.3. Tăng cường hiệu quả công tác quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, nhất là công tác thu gom, xử lý rác thải, quan trắc, giám sát, kiểm tra, xử lý để đảm bảo kiểm soát hoạt động xả thải ra môi trường tại khu vực Đầm Nại, khu Dự trữ sinh quyển Núi Chúa, các bến cảng, khu vực ven biển, khu dân cư,... đảm bảo duy trì các chỉ tiêu về môi trường; quan tâm, khuyến khích việc áp dụng, thay đổi công nghệ khai thác, chế biến nhằm nâng cao giá trị tài nguyên khoáng sản.

3.4. Tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, hồ sơ lưu trữ về đất đai, khoáng sản, môi trường và công tác chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý đúng, đủ, sạch, trống.

3.5. Tiếp tục rà soát, đánh giá, bố trí hợp lý các nguồn lực để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 21-NQ/TU đề ra, nhất là nguồn nhân lực để đề xuất, kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đảo bảo về bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, nhất là tại cơ sở.

3.6. Tiếp tục rà soát, tổng hợp các tồn tại, bất cập trong cơ chế, chính sách về tài nguyên, môi trường, khoáng sản để báo cáo, tham mưu kiến nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ kịp thời; đồng thời xây dựng, ban hành đầy đủ, kịp thời văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thuộc thẩm quyền của tỉnh, tạo hành lang pháp lý về quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường trên địa bàn tỉnh.

3.7. Đảng Đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo rà soát, xây dựng và ban hành Nghị quyết cụ thể hóa các chủ trương, chính sách liên quan đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường; quan tâm cân đối, bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án Nghị quyết số 21/NQ-TU đề ra.

3.8. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc tỉnh tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, doanh nghiệp và Nhân dân tích cực tham gia phản biện xây dựng chính sách, giám sát việc thực hiện công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường.

3.9. Các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo cụ thể hóa triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các ý kiến chỉ đạo nêu trên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Thông báo Kết luận này và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Ban Thường vụ Tỉnh ủy để theo dõi, chỉ đạo.