Xác định hoạt động thương mại (TM), dịch vụ (DV) là những lĩnh vực có vị trí, vai trò quan trọng, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế chung của địa phương, những năm qua, huyện Ninh Phước đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khai thác các tiềm năng, thế mạnh sẵn có và mời gọi thu hút đầu tư phát triển TM, DV trên địa bàn huyện, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương.
Để phát triển TM, DV, huyện Ninh Phước đã tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia, trong đó ưu tiên cho các doanh nghiệp (DN) đầu tư, tham gia các hoạt động kinh doanh trên địa bàn; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, vốn vay... tạo điều kiện cho các DN, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư; ưu tiên xây dựng, nâng cấp hệ thống chợ tại các địa phương, nhằm tạo thuận lợi trong việc giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hóa, phục vụ nhu cầu người dân. Đồng thời, huyện chú trọng phát triển các kênh phân phối hàng hóa như: Chợ, các cửa hàng, cửa hiệu...; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, hộ kinh doanh tham gia buôn bán, đầu tư mở rộng ngành nghề kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Du khách tham quan tại làng nghề gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Ninh Phước có 32 chợ các loại trải đều ở các xã, thị trấn, góp phần vào chức năng bán lẻ, kinh doanh hàng hóa tổng hợp và hoạt động hiệu quả phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa trong khu dân cư. Cùng với đó, toàn huyện còn có trên 7.284 DN, hộ kinh doanh với mức lưu chuyển hàng hóa của DN, kinh doanh ngày càng tăng trong hệ thống bán lẻ hàng hóa. Ngoài ra, việc đẩy mạnh các mô hình đại lý, của hàng, cửa hiệu, hệ thống cửa hàng tiện lợi... tại các khu dân cư cũng được huyện chú trọng phát triển nhanh chóng, tăng về số lượng, quy mô hoạt động. Chị Nguyễn Thị Huệ, khu phố 4, thị trấn Phước Dân cho biết: Hoạt động giao thương phát triển, đời sống của người dân được nâng lên, nhu cầu mua sắm tăng, nên gia đình tôi đã mở cửa hàng tạp hóa để bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân. Đến nay, cửa hàng đã có đầy đủ các mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân. Các mặt hàng luôn được gia đình lựa chọn nhà phân phối uy tín, ưu tiên dùng hàng có chất lượng do Việt Nam sản xuất.
Cùng với việc phát triển hệ thống TM, DV, huyện còn tăng cường hoạt động xúc tiến TM, thường xuyên vận động, khuyến khích, tạo điều kiện để các DN, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tiềm năng thế mạnh của huyện. Anh Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc HTX gốm Bàu Trúc cho biết: Để ngày có nhiều người dân, du khách trong và ngoài tỉnh biết đến sản phẩm gốm của người Chăm, HTX đã tích cực truyền thông, tham gia các chương trình TM, quảng bá, trưng bày giới thiệu sản phẩm đến các tỉnh, thành trong cả nước thông qua hoạt động quảng bá. Nhờ đó, sản phẩm gốm Chăm của HTX ngày càng tiếp cận được nhiều đối tượng trong và ngoài tỉnh.
Nhờ thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp, những năm gần đây lĩnh vực TM, DV ngày càng phát triển, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu lao động, góp phần nâng cao đời sống người dân. Diện mạo nông thôn mới của huyện đang có sự thay đổi rõ rệt, các cửa hàng kinh doanh, sản xuất, DV được mở rộng, hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa diễn ra tấp nập. Trong năm 2023, giá trị TM, DV đạt trên 3.237 tỷ đồng, tăng 14,15% so với năm 2022.
Đồng chí Ngô Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Thời gian tới, huyện Ninh Phước tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển giao thương hàng hóa; rà soát quy hoạch hệ thống chợ trên địa bàn để có phương án cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Tập trung thu hút các đơn vị, DN tham gia đầu tư sản xuất trên địa bàn để thúc đẩy các hoạt động TM, DV phát tiển. Tập trung thu hút các nguồn lực để đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng TM, DV trên địa bàn; ưu tiên xây dựng các hạng mục thiết yếu như chợ hạng II; đầu tư kết cấu hạ tầng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; triển khai có hiệu quả các mô hình du lịch cộng đồng. Đồng thời, khuyến khích các DN, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa về các địa phương; chú trọng hệ thống bán lẻ ở các địa phương; tạo điều kiện cho các DN, các hộ kinh doanh mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh. Tập trung phát triển các loại hình TM, DV gắn với phát triển các sản phẩm đặc thù của huyện, của DN cũng như thúc đẩy các loại hình kinh doanh.
Tiến Mạnh