Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, dấu ấn nổi bật trong năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (1973 - 2023), đánh dấu 9 năm hai nước nâng cấp thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.
Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian qua đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Các hoạt động trao đổi đoàn, trong đó có trao đổi đoàn cấp cao và các cấp được diễn ra và đẩy mạnh. Riêng trong năm 2023, cho đến nay hoạt động trao đổi đoàn cấp cao hai nước đã diễn ra sôi động: Phía Việt Nam có chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính (5/2023); Phía Nhật Bản có chuyến thăm của Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương (9/2023), Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Otsuji Hidehisa (9/2023).
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức Nhật Bản. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, cung cấp viện trợ không hoàn lại ODA lớn nhất; đối tác lớn thứ hai về hợp tác lao động và thứ ba về đầu tư du lịch và thứ 4 về thương mại.
Hợp tác giữa các địa phương hai nước không ngừng được đẩy mạnh và cho đến nay, có khoảng 100 cặp quan hệ giữa các địa phương Việt Nam và Nhật Bản.
Các hoạt động giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, giao lưu nhân dân cũng diễn ra sôi động. Nhiều sự kiện giao lưu văn hóa quy mô lớn được người dân hai nước mong đợi như Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản, vở Opera “Công nữ Anio."
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản nhận định mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản trong suốt 50 năm qua đã không ngừng phát triển tốt đẹp. Đây là mối quan hệ được xây dựng trên nền mối lương duyên và giao lưu nhân dân giữa hai nước từ nhiều thế kỷ trước, để lại những di sản quý báu cho thế hệ hôm nay. Và kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, quan hệ giữa hai nước không ngừng được củng cố, vun đắp trên sự tin cậy chính trị cao và hợp tác kinh tế hiệu quả, thiết thực.
Nhật Bản hiện là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh, văn hóa, giáo dục, lao động, du lịch… Nhật Bản là nước G7 đầu tiên: đón Tổng Bí thư Việt Nam đi thăm (năm 1995), thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011), mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (5/2016).
Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 cho đến nay, Việt Nam và Nhật Bản đã lần lượt xác lập khuôn khổ quan hệ từ Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài năm 2002 lên Đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á năm 2009 và Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á năm 2014.
Theo Đại sứ Nguyễn Phú Bình, điều làm nên “chất keo” gắn kết hai nước trong suốt nửa thế kỷ qua đó là sự bổ sung lợi ích cho nhau.
Theo đó, quá trình đổi mới, phát triển đất nước của Việt Nam đòi hỏi cần có nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao và nguồn nhân lực chất lượng cũng như kinh nghiệm trong thực hiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Và Nhật Bản là đối tác tin cậy, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam về vốn ODA (viện trợ phát triển chính thức), FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài), công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực cũng như chia sẻ kinh nghiệm phát triển đất nước thông qua giúp Việt Nam xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư.
Trong khi đó, Nhật Bản nhìn thấy ở Việt Nam là một đối tác thân thiện, có nhiều điểm chung, tương đồng, có thể bổ sung nguồn nhân lực, trong bối cảnh dân số Nhật Bản ngày càng già hóa. Việt Nam lại đang ở trong thời kỳ “dân số vàng”, sẵn sàng cung cấp lao động cũng như cung cấp nguồn nhân lực cho các công ty của Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam cũng như tại Nhật Bản.
Là một nước hạn chế về tài nguyên thiên nhiên, Nhật Bản cần đến những đối tác như Việt Nam - một nước có nhiều tài nguyên thiên nhiên, cung cấp nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp cũng như cung ứng các sản phẩm nông nghiệp như lương thực, thực phẩm.
Việt Nam cũng là đối tác mà Nhật Bản cần tăng cường hợp tác khi Việt Nam có một vị trí địa chính trị - địa kinh tế quan trọng, nằm trên một trục giao thông về hàng không, đường bộ, hàng hải quốc tế, lại ký kết nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới với nhiều đối tác lớn trên thế giới. Những ưu thế đó là cơ sở để Nhật Bản tăng cường đầu tư, xây dựng các nhà máy ở Việt Nam, và coi Việt Nam là cửa ngõ, con đường ngắn để hàng hóa Nhật Bản đi ra thế giới.
Còn theo Tiến sỹ Tomotaka Shoji, Giám đốc Ban nghiên cứu Khu vực thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng (NIDS) của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, hai nước có thể thiết lập và duy trì mối quan hệ song phương bền chặt nhờ sự gần gũi về mặt địa lý, bổ sung về kinh tế và các lợi ích chiến lược hội tụ... Ông cho rằng, thế mạnh đầu tiên là hợp tác kinh tế, nhấn mạnh hợp tác song phương trong lĩnh vực này đã có sự tiến triển vô cùng mạnh mẽ. Nhật Bản từ lâu đã coi trọng hợp tác kinh tế trong chính sách ngoại giao.
Với mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả và không ngừng phát triển trên, chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng được giới chuyên gia, học giả, dư luận hai nước kỳ vọng không những là một điểm nhấn quan trọng trong năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, mà còn mở ra một giai đoạn mới hết sức tốt đẹp trong quan hệ hai nước.
Đại sứ Nguyễn Phú Bình cho biết, ông kỳ vọng trong chuyến thăm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các nhà lãnh đạo Nhật Bản sẽ có những trao đổi các biện pháp không chỉ củng cố những mối quan hệ hợp tác sẵn có mà còn mở ra những hợp tác trên các lĩnh vực mới mà hai bên cùng quan tâm như ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số...
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho rằng, ngoài việc nhìn lại những bước tiến trong quan hệ Nhật Bản - Việt Nam từ trước đến nay, chuyến thăm còn truyền đi thông điệp rằng sự hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam không chỉ là mối quan hệ song phương mà đang trở thành mối quan hệ có thể cùng đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng, dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio; hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản; hội kiến với các lãnh đạo cấp cao Nhật Bản, phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản và tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản cũng như tham dự một số hoạt động quan trọng khác.
Chia sẻ nhận định về sự kiện Chủ tịch nước sẽ phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản, Đại sứ Nguyễn Phú Bình cho biết, đây là một sự kiện rất đặc biệt. Mỗi năm, Quốc hội Nhật Bản thường chỉ thu xếp mời 1-2 nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao nước ngoài đến phát biểu. Do đó, việc phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản của Chủ tịch nước là dịp để lãnh đạo Việt Nam đưa ra những thông điệp quan trọng về quan hệ giữa hai nước đối với chính giới, dư luận Nhật Bản cũng như đối với thế giới.
Nửa thế kỷ qua, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất trên mọi lĩnh vực với sự tin cậy cao. Chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng một lần nữa khẳng định quyết tâm của lãnh đạo hai nước trong việc không ngừng phát triển, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước theo phương châm "Chân thành, Tình cảm và Tin cậy".
Theo TTXVN/Báo Tin tức