* Năm 2023, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường các Khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), làng nghề. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 3 KCN đã đi vào hoạt động là KCN Thành Hải, KCN Phước Nam, KCN Du Long. Đến nay, KCN Thành Hải đã đầu tư công trình xử lý nước thải tập trung công suất 1.400 m3 /ngày và nước thải sau xử lý đã đạt cột A, QCVN 40:2011/BTNMT; KCN Du Long hiện tại đã đầu tư công trình xử lý nước thải tập trung công suất xử lý 3.000 m3/ngày đêm và nước thải sau xử lý 4 đã đạt cột A, QCVN 40:2011/BTNMT.
Nhờ làm tốt công tác xử lý nước thải nên môi trường KCN Du Long sạch sẽ. Ảnh: Văn Nỷ
Riêng KCN Phước Nam đang tiến hành đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải cho giai đoạn 1 công suất xử lý 2.000 m3 /ngày đúng theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Đối với CCN, trên địa bàn tỉnh hiện có 2 CCN Tháp Chàm và Quảng Sơn, trong đó, các cơ sở trong CCN Tháp Chàm đều xử lý nước thải đạt cột A trước khi thải đổ vào hệ thống thoát nước chung của CCN. Còn CCN Quảng Sơn đang trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và chưa đi vào hoạt động. Đối với làng nghề, tỉnh có 3 làng nghề truyền thống là làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ và làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc. Do loại hình sản xuất của các làng nghề này dệt, sản xuất đồ gốm nên chủ yếu là phát sinh nước thải sinh hoạt và được các hộ gia đình trong làng nghề thu gom, xử lý đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải ra môi trường.
* Về xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường-Quản lý, cải thiện chất lượng môi trường nước (lưu vực sông, nước mặt, nước biển), UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên Hải- Tiểu dự án Tp. Phan Rang-Tháp Chàm để cải tạo, nâng cấp, xây mới hệ thống thoát nước mưa, nước thải Tp. Phan Rang-Tháp Chàm và nâng cấp nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt thành phố này từ 5.000 m3 /ngày đêm lên 7.500 m3 /ngày đêm,... Dự án này hoàn thành sẽ cải thiện khả năng tiêu thoát nước và điều kiện ngập úng, tăng khả năng thu gom, xử lý nước thải góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, giao thông đô thị Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.
Các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên Hải- Tiểu dự án Tp. Phan Rang-Tháp Chàm để cải thiện tiêu thoát nước. Ảnh: Văn Nỷ
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 9 nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm và dệt nhuộm có lưu lượng nước thải từ 30 m3 /ngày đêm trở lên, đến nay, cả 9 nhà máy trên đều đầu tư công trình xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường cho phép đúng theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt. Trong năm 2023, Quỹ Bảo vệ Môi trường tỉnh Ninh Thuận đã tiếp nhận số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của 19 Dự án khai thác khoáng sản với tổng số tiền 4,33 tỷ đồng.
Xuân Bính