Phòng ngừa tai nạn giao thông cho trẻ em, học sinh

Những năm gần đây, tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em, học sinh không ngừng tăng lên. Để hạn chế tai nạn giao thông đối với trẻ em, rất cần sự phối hợp của các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó cần sự quan tâm của các bậc phụ huynh trong việc nhắc nhở con em mình thực hiện tốt Luật Giao thông đường bộ.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), qua 10 tháng năm 2023 toàn tỉnh đã xảy ra 128 vụ tai nạn và va chạm giao thông làm 41 người chết, 129 người bị thương. Riêng TNGT liên quan đến HS đã xảy ra 24 vụ, làm tử vong 7 em, bị thương 27 em. So với cùng kỳ năm 2022, TNGT liên quan đến HS ở tỉnh tăng cả 3 tiêu chí: Tăng 6 vụ, tăng 2 người chết và 9 người bị thương.

Qua điều tra của cơ quan chức năng, nguyên nhân xảy ra tai nạn do các em điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường, làn đường, đi ngược chiều, tránh vượt, qua đường sai quy định; vi phạm tốc độ, không chấp hành biển báo tín hiệu giao thông... Những nguyên nhân dẫn đến TNGT trẻ em, HS chủ yếu là do trẻ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông (ATGT); chưa ý thức được nguy hiểm khi tham gia giao thông.

Trong các lỗi vi phạm, hành vi HS điều khiển mô tô tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi được nhận định là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ cao gây TNGT. Bởi các em chưa có đủ kỹ năng, kiến thức cần thiết để điều khiển xe máy an toàn; thậm chí có trường hợp chở người vượt quá số lượng quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn đe dọa sự an toàn của những người cùng tham gia giao thông.

Theo quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3. Người đủ 18 tuổi trở lên được điều khiển mô tô, xe máy có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên và phải có giấy phép lái xe. Quy định là thế nhưng thời gian qua, việc HS điều khiển xe phân khối lớn hơn so với quy định vẫn diễn ra và xe gắn máy đang trở thành phương tiện phổ biến của HS. Mặc dù Luật Giao thông đường bộ quy định rõ độ tuổi được cấp bằng lái xe nhưng để “lách luật”, nhiều HS chống chế bằng cách gửi xe ở ngoài cổng trường. Bởi mỗi khi vào đầu năm học mới, quy định này đã được các nhà trường thông báo, yêu cầu HS và phụ huynh ký cam kết thực hiện nghiêm.

Thiếu tá Nguyễn Thái Sơn, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an Tp. Phan Rang - Tháp Chàm cho biết: Hằng năm, Công an thành phố tổ chức các đợt tuyên truyền, thực hiện ký cam kết đối với HS, phụ huynh và các điểm giữ xe chấp hành quy định về ATGT. Qua kiểm tra, trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm hiện có khoảng 20 điểm trông giữ xe “tự phát” gần các trường trung học phổ thông. Tuy biết HS chưa đủ tuổi để học và cấp bằng lái xe mô tô hạng A1, nhưng chủ các điểm trông giữ xe vẫn nhận giữ mô tô của HS. Đáng nói, có hộ giữ xe gần trường vừa ký cam kết với chính quyền địa phương không nhận giữ mô tô cho HS, nhưng ngay hôm sau vẫn vi phạm.

Cần phát huy mô hình “Cổng trường ATGT” để học sinh nâng cao hiểu biết pháp luật về ATGT. Trong ảnh: Cổng trường trường THSC Lê Hồng Phong (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) giờ tan học.Ảnh: A.Tuấn

Trước thực trạng đó, những năm trở lại đây, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT đối với thanh, thiếu niên, HS rất được chú trọng. Tuy nhiên, hiện tượng HS sử dụng phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy chưa bảo đảm theo đúng quy định vẫn diễn biến phức tạp. Để ngăn ngừa và hạn chế những tai nạn thương tâm cho con em mình, vai trò của gia đình, nhà trường rất quan trọng. Đặc biệt, cha mẹ cần thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành các quy tắc giao thông; tuyệt đối không giao xe máy trên 50cm3 để con điều khiển đến trường khi chưa đủ tuổi theo quy định, chưa có giấy phép lái xe... Song song với đó, nhà trường cần phối hợp với gia đình để có biện pháp quản lý HS và ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật về ATGT, thường xuyên tổ chức tuyên truyền và nhân rộng mô hình “Cổng trường ATGT” để HS nâng cao hiểu biết pháp luật về ATGT.

Ngoài ra, các địa phương cấp huyện, xã, các đoàn thể chính trị - xã hội cần phát huy vai trò để tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động gia đình tích cực nhắc nhở con em trong độ tuổi thanh, thiếu niên, nhất là HS, sinh viên tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông; chấp hành quy định về đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe điện; không điều khiển mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi theo quy định, chưa có giấy phép lái xe; chú trọng thông báo, trao đổi về việc xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông của HS giữa địa phương - nhà trường - gia đình để cùng quản lý và giáo dục về ATGT với HS.