Do lượng mưa lớn, nhanh nên gây ngập lụt cục bộ và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp tại một số địa bàn của tỉnh. Tại huyện Ninh Hải, mưa gây ngập 17ha lúa, 4,45ha rau màu tập trung ở các xã: Xuân Hải, Phương Hải và Tân Hải. Tp. Phan Rang - Tháp Chàm thiệt hại 2ha chủ yếu rau, cây ngắn ngày, hành lá tại phường Mỹ Hải.
Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 4786/UBND-KTTH chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện công tác ứng phó. Ngành Nông nghiệp đã cử 2 đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) tại các huyện Ninh Hải và Thuận Bắc. Sở Giáo dục và Đào tạo đã ra thông báo cho học sinh trên toàn tỉnh nghỉ học từ ngày 15 đến 16/11. Các sở, ngành, địa phương cũng đã chủ động triển khai nhanh các phương án ứng phó với mưa lũ, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết: Để chủ động ứng phó mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ để chủ động ứng phó trong mọi tình huống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tại Công văn số 4786/UBND-KTTH ngày 15/11/2023. Trực ban nghiêm túc, thường xuyên theo dõi tình hình mưa lũ báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tổ chức trực ban 24/24 giờ, kiểm tra chặt chẽ tình hình an toàn hồ chứa, phối hợp với các huyện trong việc thực hiện quy trình vận hành nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân phía hạ du do xả lũ gây ra; thông báo cho chính quyền địa phương phổ biến đến nhân dân vùng hạ lưu và các cơ quan liên quan ít nhất 6 giờ trước khi xả lũ để chủ động phòng, tránh và tổ chức di dời dân ở vùng hạ lưu đến nơi an toàn. Kiểm tra, rà soát phương án ứng phó, bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ chứa đã tích đầy nước, chủ động nắm bắt và xử lý thông tin kịp thời để đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa khi hồ xả lũ hoặc có sự cố công trình. Chi cục Thủy lợi triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, nhất là tuyến đê, kè bị sự cố, đang thi công.
UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát và triển khai phương án sơ tán dân cư, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu dân cư ven sông, suối, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, bị chia cắt, vùng hạ lưu các hồ chứa nước để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Rà soát, sẵn sàng tiêu úng khu vực trũng thấp, khu đô thị, khu công nghiệp, vùng sản xuất nông nghiệp. Triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, cây trồng, vật nuôi, trong đó chủ động thu hoạch hoa màu đã đến kỳ thu hoạch và sẵn sàng di dời gia súc, gia cầm tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn.
Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường giao thông do địa phương quản lý. Thông tin kịp thời cảnh báo đến tất cả các đối tượng bị ảnh hưởng của mưa lũ để chủ động ứng phó; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Thường xuyên tổ chức đi kiểm tra các vị trí có nguy cơ bị sạt lở, chia cắt không đảm bảo an toàn để ứng phó với mưa lũ.
Xuân Bính