Điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025

Ngày 8/11/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 621/QĐ-UBND điều chỉnh một số nội dung Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025 phê duyệt kèm theo Quyết định số 352/QĐ-UBND ngày 20/7/2021 của UBND tỉnh. Theo đó, ở phần nội dung kế hoạch, quyết định điều chỉnh Mục II, bao gồm: Vị trí, khu vực phát triển nhà ở, số lượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở, số lượng nhà ở, tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở cần đầu tư xây dựng.

Cụ thể, sau khi điều chỉnh tổng diện tích sàn nhà ở cần đầu tư xây dựng đến năm 2025 phấn đấu đạt 16.034.770m2 sàn (tăng thêm khoảng 3.577.346m2 sàn tương ứng 34.612 căn). Trong đó: Nhà ở thương mại khoảng 704.368m² sàn (tương ứng 4.696 căn); nhà ở xã hội (NƠXH) khoảng 89.926m² sàn (tương ứng 1.998 căn); nhà ở công vụ khoảng 3.315m² sàn (tương ứng 120 căn); nhà ở dân tự xây khoảng 2.779.737m² sàn (tương ứng 27.797 căn).

Về tỷ lệ các loại nhà ở (nhà ở riêng lẻ, nhà ở chung cư) được quy định: Nhà ở riêng lẻ chiếm khoảng 86,7%; nhà ở chung cư chiếm khoảng 13,3%. Diện tích sàn xây dựng NƠXH cần đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 89.926m2 sàn, tương ứng 1.998 căn. Trong đó, tổng diện tích sàn xây dựng NƠXH cho thuê phấn đấu đạt từ 17.985m2 sàn trở lên, tương ứng với 400-500 căn.

Nhà ở xã hội Hacom GalaCity ở Khu đô thị Đông Bắc (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: P.N

Quyết định cũng nêu rõ chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người tại đô thị, nông thôn và trên toàn địa bàn; chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 25m2 sàn/người (trong đó, khu vực đô thị đạt 29m2 sàn/người, khu vực nông thôn đạt 22,2m2 sàn/người). Chỉ tiêu về diện tích sàn nhà ở tối thiểu đạt 10m2 sàn/người. Chất lượng nhà ở toàn tỉnh dạng kiên cố và nhà ở bán kiên cố đạt trên 98,5%, giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ. Tổng diện tích đất để phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 khoảng 696,89ha, trong đó: Diện tích đất xây dựng nhà ở thương mại 195,66ha; diện tích đất xây dựng NƠXH 3,75ha; diện tích đất xây dựng nhà ở công vụ 1,11ha; diện tích đất xây dựng nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây dựng 496,38ha.

Các hình thức đầu tư xây dựng nhà ở, bao gồm: Nhà ở thương mại; NƠXH (nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, nhà ở cho người có công với cách mạng, nhà ở cho hộ nghèo, nhà ở cho người có thu nhập thấp khu vực đô thị); nhà ở công vụ; nhà ở tái định cư; nhà ở riêng lẻ do dân tự xây dựng. Tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 khoảng 29.026,47 tỷ đồng. Trong đó: Nhà ở thương mại dịch vụ 6.093,06 tỷ đồng; NƠXH 630,03 tỷ đồng; nhà ở công vụ 23,23 tỷ đồng; nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây dựng 22.280,16 tỷ đồng.

Ở phần giải pháp thực hiện, quyết định bổ sung các khoản 7, 8 sau khoản 6 Mục III. Theo đó, về phát triển thị trường bất động sản (BĐS), tuân thủ pháp luật kinh doanh BĐS liên quan đến giao dịch, kinh doanh nhà ở, dự án nhà ở nói riêng bao gồm: Kinh doanh nhà ở có sẵn, kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng để tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở, chuyển nhượng dự án, một phần dự án nhà ở... Tăng cường kiểm soát hoạt động môi giới BĐS, kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch BĐS; thực hiện quản lý thông tin giao dịch BĐS, tăng tính công khai, minh bạch và bảo vệ quyền lợi người dân khi kinh doanh BĐS thông qua các sàn giao dịch BĐS. Tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh BĐS và nhà ở; nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về nhà ở và thị trường BĐS của các bộ, ngành và địa phương; hoàn thiện việc xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS để đảm bảo tính công khai, minh bạch; nâng cao hiệu quả của các hoạt động kiểm tra, xử lý, ngăn chặn sai phạm trong kinh doanh nhà ở và BĐS.

Về nguồn vốn và thuế, bố trí hợp lý nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách, cho các chương trình mục tiêu về nhà ở. Huy động nguồn vốn xã hội hóa để phát triển nhà ở thông qua nhiều hình thức như: Huy động vốn của doanh nghiệp, huy động từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư phát triển địa phương, cổ phiếu, trái phiếu và các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm tạo lập hệ thống tài chính nhà ở vận hành ổn định, dài hạn và giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Huy động hiệu quả nguồn vốn nước ngoài thông qua các cơ chế huy động tài chính quốc tế như: Quỹ đầu tư, quỹ tín thác BĐS, liên doanh, liên kết thực hiện dự án nhà ở; tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển NƠXH. Áp dụng những chính sách ưu đãi về thuế, phí theo quy định của pháp luật liên quan đến nhà ở và thị trường BĐS.

Các nội dung khác vẫn giữ nguyên theo Quyết định số 352/QĐ-UBND ngày 20/7/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.