Kinh nghiệm vận động, thành lập TCĐ trong các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) ở Đảng bộ khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh, nơi có nhiều TCĐ khối KTTN nhất trong các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy cho thấy, để giải “bài toán” phát triển TCĐ, ĐV trong các DNTN thì công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, cán bộ, ĐV, nhất là chủ doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ) về vị trí, vai trò và tầm quan trọng, ý nghĩa và lợi ích của việc thành lập TCĐ, phát triển ĐV và các tổ chức đoàn thể trong DN cần phải đổi mới phương thức và đi trước một bước. Nội dung tuyên truyền trước hết là vận động chủ DN đứng vào hàng ngũ của Đảng. Thực tế chứng minh, ở những DN mà người đứng đầu có trách nhiệm và tâm huyết với TCĐ thì ở đó việc phát triển TCĐ, ĐV sẽ rất thuận lợi. Tiếp đó, cần quán triệt đến DN là các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KTTN và các chính sách thu hút, hỗ trợ cụ thể của trung ương, địa phương đối với DN; thường xuyên tiến hành khảo sát toàn diện, nắm chắc tình hình ĐV; đánh giá thực chất vai trò của TCĐ, chất lượng ĐV trong từng loại hình, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch hằng năm thật sự phù hợp thực tiễn, nhu cầu DN để chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện. Chú trọng thành lập TCĐ trong các khu, cụm công nghiệp; tăng cường cán bộ chuyên trách hướng dẫn hoạt động củng cố TCĐ, công tác đảng vụ, công tác phát triển ĐV của DN; mở các lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng là NLĐ khối KTTN. Củng cố, phát triển tổ chức công đoàn (CĐ), đoàn thanh niên (ĐTN) trong DN và xác định đây là cơ sở quan trọng để phát triển ĐV cả trước mắt và lâu dài. Đồng thời, thường xuyên tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với DN để lắng nghe, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình hoạt động, làm cầu nối giúp DN tháo gỡ khó khăn và coi đây là một trong các phương thức để tuyên truyền, vận động DN quan tâm công tác phát triển Đảng và đồng thuận thành lập TCĐ khi hội đủ các điều kiện.
Từ thực tiễn hoạt động của TCĐ công ty mình, chị Cao Thị Kim Anh đại diện cấp ủy Chi bộ Công ty TNHH Thông Thuận đề xuất trung ương, Tỉnh ủy cần ban hành hoặc hướng dẫn ban hành quy chế phối hợp giữa chi, đảng bộ với ban giám đốc DN để tạo điều kiện cho TCĐ phát huy tốt hơn vai trò “hạt nhân chính trị” trong hoạt động của DN; đồng thời xem xét, nghiên cứu đổi mới hình thức phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của trung ương, của tỉnh phù hợp với đặc thù của DN nhằm giúp DN vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh (SXKD) vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác Đảng.
Chị Phạm Thị Thanh Nguyệt, Phó Bí thư chi bộ, Chủ tịch CĐ cơ sở Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam cho rằng, cấp ủy cấp trên cần lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức CĐ, ĐTN cấp mình quan tâm hơn nữa đến tổ chức và hoạt động của CĐ, ĐTN trong các DN bởi đây chính là nơi nuôi dưỡng, phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp. Bên cạnh đó, nội dung, hình thức sinh hoạt Đảng trong các DNTN cũng cần thực hiện theo hướng tinh gọn, phù hợp; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, ĐV trong DNTN được tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tại các trường, trung tâm chính trị địa phương.
Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng TCĐ, đoàn thể trong các đơn vị KTTN tỉnh nhìn nhận: Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phát triển TCĐ, ĐV khối KTTN, song nhiều TCĐ trong DN đã thể hiện được vai trò, vị trí của mình; đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển của DN; tập hợp, động viên cán bộ, ĐV, NLĐ chấp hành nghiêm pháp luật, thực hiện tốt nội quy, quy định của DN, yên tâm SXKD, góp phần vào sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Để tiếp tục củng cố, phát triển TCĐ và tăng cường kết nạp ĐV trong DNTN trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao, đồng chí đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng TCĐ, đoàn thể trong các đơn vị KTTN cấp tỉnh, huyện, thành ủy, Đảng ủy khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh cần tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi, đảng bộ trong các DNTN; đồng hành hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN trong SXKD, giúp DN tiếp cận chính sách, nguồn lực để phát triển, từ đó DN yên tâm xây dựng, củng cố TCĐ và phát triển thêm ĐV. Đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ theo hướng thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của DN. Chú trọng xây dựng đội ngũ cấp ủy, cán bộ phụ trách công tác đảng, đoàn thể và ĐV trong DN; mở các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng; hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả đối với các TCĐ ở DN gặp khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ. Chú trọng việc tạo nguồn, tạo điều kiện thuận lợi, linh hoạt về thời gian khi mở các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho quần chúng đang làm việc trong các DNTN. Đối với những đơn vị KTTN đã có TCĐ thì cấp ủy, TCĐ tiến hành rà soát, đánh giá và đề ra giải pháp cụ thể tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động. Đối với DN chưa có TCĐ thì giao cho cấp ủy địa phương và tương đương tập trung chỉ đạo, rà soát, nắm chắc số ĐV đang làm việc ổn định trong DN nhưng sinh hoạt Đảng ở nơi khác, nếu đủ điều kiện thì hướng dẫn thành lập TCĐ theo quy định. Còn với DN chưa có ĐV nhưng có tổ chức CĐ, ĐTN thì cấp ủy cơ sở nơi DN đứng chân phân công cấp ủy viên, ĐV có trách nhiệm phối hợp với đoàn thể trong DN để phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp ĐV mới, với quyết tâm dù khó khăn cũng phải thực hiện. Tin rằng, khi quyết liệt thực hiện các biện pháp, đi được tận cùng gốc rễ của vấn đề, công tác phát triển TCĐ và ĐV khối KTTN của tỉnh sẽ có nhiều chuyển biến. Để từ đó, việc xây dựng mạng lưới TCĐ trong các đơn vị KTTN sẽ không còn là khó khăn, hạn chế và công tác xây dựng Đảng trong các đơn vị KTTN trên địa bàn tỉnh ngày càng bền chặt, rộng khắp hơn.
Diễm My