Ngay từ đầu năm, EVN Ninh Thuận đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các giải pháp vận hành lưới điện an toàn, cung cấp điện ổn định cho năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Từ đó, xây dựng chương trình, kế hoạch, phương án và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, công bố số điện thoại đường dây nóng để người dân liên hệ khi trên địa bàn gặp các sự cố về điện do mưa, bão gây ra. Đồng thời, yêu cầu Công ty Điện lực các huyện triển khai tổng kiểm tra toàn bộ lưới điện trên địa bàn mình phụ trách, trong đó đặc biệt chú trọng kiểm tra tại các khu vực dự báo sẽ ảnh hưởng nhiều đến tình hình vận hành lưới điện vào mùa mưa bão như: Khu vực đồi núi có đường dây điện đi qua có nguy cơ ngã đổ, vùi lấp do sạt lở núi; khu vực có đường dây đi qua rừng hoặc đi dưới các cây cao có nguy cơ ngã đổ làm đứt dây điện, gãy trụ điện gây sự cố lưới điện do bão lũ; các vùng hạ du sông, suối có đường dây điện đi qua có nguy cơ bị ngập do nước dâng cao hoặc bị lũ cuốn trôi công trình lưới điện và các khu vực trũng, thấp dễ bị ngập nước làm cho thiết bị điện bị nước xâm thực gây sự cố. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các tuyến lưới điện và trạm biến áp, nhằm phát hiện kịp thời, ngăn chặn các sự cố rò điện, gây mất an toàn hệ thống điện, gây nguy cơ không đảm bảo an toàn tính mạng của người dân. Qua đó, có biện pháp và phương án chủ động xử lý kịp thời các tồn tại và điểm bất thường trên đường dây điện, trạm biến áp.
Công nhân Điện lực huyện Ninh Hải sửa chữa lưới điện.
Ngoài công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn lưới điện, công tác xây dựng, sửa chữa lớn, đầu tư xây dựng các công trình phục vụ vận hành lưới điện cũng được EVN Thuận quan tâm chú trọng. Trong năm 2023, Công ty đã hoàn tất nghiệm thu đưa vào vận hành 1 công trình nâng cấp trạm 110kV Ninh Phước và 1/13 công trình lưới điện phân phối; phối hợp với Ban quản lý dự án Lưới điện miền Nam nghiệm thu đưa vào vận hành công trình “Thay MBA T2-40MVA thành 63MVA trạm 110kV Tháp Chàm”; triển khai 9 công trình sửa chữa lớn với tổng chi phí sửa chữa trên 20 tỷ đồng góp phần đảm bảo cấp điện cho các thành phần phụ tải phục vụ cho các hoạt động sản xuất. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho người dân trong quá trình sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất, ngành điện cũng tăng cường công tác phối hợp với các ngành chức năng tại các huyện đẩy mạnh tuyên truyền những kiến thức cơ bản về an toàn điện trong mùa mưa bão đến các tổ chức, đơn vị và người dân trên địa; đồng thời, tổ chức kiểm tra an toàn điện các khu vực thường xuyên bị ngập nước khi có mưa lớn như: Trường học, các điểm vui chơi giải trí, các chợ và các khu dân cư… Qua đó, nhằm phòng ngừa sự cố cũng như các nguy cơ chập điện, gây cháy nổ có thể xảy ra trong mùa mưa bão.
Ông Đỗ Nguyên Hưng, Giám đốc EVN Ninh Thuận cho biết: Bước vào mùa mưa bão, các sự cố về điện rất dễ xảy ra, nên ngoài công tác chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thiết bị, vật tư dự phòng, đơn vị đã chỉ đạo các phòng, điện lực các huyện chủ động thực hiện các phương án bảo đảm cung cấp điện an toàn; kết hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống ngập úng, cháy nổ do điện trong mùa mưa bão, từ đó có thể chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra nhằm xử lý nhanh các hư hỏng và sự cố phát sinh, đảm bảo công tác khôi phục, cấp điện trở lại… phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân sau mưa bão. Với phương châm “Đảm bảo an toàn tính mạng con người, hạn chế thiệt hại về tài sản”, ngành điện cũng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống điện trong gia đình bằng cách thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị điện trong nhà, để kịp thời phát hiện, khắc phục những nguy cơ, gây cháy nổ và điện giật.
Thanh Thịnh