Ngày 1/11, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học quốc tế “Nguồn lực cho truyền thông chính sách” đã được Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Tạp chí Cộng sản và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp tổ chức. Đây là hội thảo thứ 8 trong loạt hội thảo về truyền thông chính sách được tổ chức từ năm 2016. Chủ đề của hội thảo năm nay là truyền thông chính sách để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách và nguồn lực để truyền thông chính sách hiệu quả.
Phát biểu tại sự kiện, GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, trong rất nhiều yếu tố để truyền thông chính sách hiệu quả như con người, chiến lược, mô hình và công nghệ thì nguồn lực được xem là yếu tố quan trọng, đóng vai trò là điều kiện bảo đảm. Công tác hoạch định, ban hành và thực thi chính sách phải lấy dân là gốc. Công tác truyền thông chính sách phải lấy nhân dân làm trung tâm.
Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học quốc tế " Nguồn lực cho truyền thông chính sách" ngày 1/11.
Năm 2023 được đánh giá là năm có những bước biến chuyển mạnh mẽ trong nhận thức, tư duy và hoạt động truyền thông chính sách từ Chính phủ đến các bộ ngành Trung ương và địa phương. Công tác này không chỉ bảo đảm quyền tiếp cận thông tin cho người dân mà còn nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ, các bộ, ngành, góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội.
Nguồn lực cho truyền thông chính sách phải được đặt trong tổng thể của quá trình truyền thông, ở cả nguồn lực vật chất lẫn tinh thần, xuyên suốt tất cả các khâu từ trước, trong và sau quá trình truyền thông chính sách. Nguồn lực ấy phải được đầu tư xứng đáng, sử dụng linh hoạt, đúng mục đích, đúng đối tượng và đúng thời điểm. Chỉ khi làm được điều này, công tác truyền thông mới có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển đất nước.
Đồng quan điểm, PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản xác định, các cơ quan báo chí là lực lượng chủ lực trong công tác này. Báo chí giúp người dân tiếp nhận thông tin; đồng thời, tham gia vào quá trình hoạch định, thảo luận và phản biện chính sách theo đúng tinh thần lấy người dân làm trung tâm. Từ đó, tạo cầu nối bền chặt giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lee Byung Hwa, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam nhận định, với sự tiến bộ và phổ biến của công nghệ kỹ thuật số và truyền thông, bộ mặt của xã hội hiện đại đang thay đổi nhanh chóng. Những tiến bộ của trí tuệ nhân tạo như ChatGPT đã giúp công chúng tiếp thu thông tin dễ dàng hơn bao giờ hết. Trong xu thế xã hội này, vai trò của báo chí truyền thống bị thách thức không ngừng, đồng thời vai trò đó cũng ngày càng trở nên quan trọng hơn.
“Trong bối cảnh tin giả lan truyền trên mạng xã hội và các thông tin được truyền đi một cách rời rạc thì báo chí cung cấp thông tin đáng tin cậy và tạo nền tảng cho thảo luận xã hội thông qua việc cung cấp chính xác và phân tích chuyên nghiệp về sự việc. Tầm quan trọng của một nền báo chí đáng tin cậy, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông chính sách lại càng quan trọng hơn bao giờ hết”, ông Lee Byung Hwa khẳng định.
Để truyền thông chính sách đạt được mục tiêu, hiệu quả mong muốn, PGS.TS. Phạm Minh Sơn - Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, nguồn lực đóng vai trò hết sức quan trọng, chiến lược dù tốt, kế hoạch dù hay nhưng nếu không có nguồn lực bảo đảm thì khó trở thành thực tế.
Nguồn lực cho truyền thông chính sách bao gồm nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất. Công tác truyền thông chính sách chỉ có thể đạt được mục tiêu, hiệu quả khi có đầy đủ nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất, trong đó nguồn lực tinh thần đóng vai trò là nền tảng còn nguồn lực vật chất đóng vai trò mũi nhọn. "Nếu chỉ có nguồn lực tinh thần mà không có nguồn lực vật chất thì công tác truyền thông chính sách có khẩu hiệu nhưng thiếu hoạt động thực tế. Nếu chỉ có nguồn lực vật chất mà không có nguồn lực tinh thần thì công tác truyền thông chính sách có hoạt động thực tế nhưng thiếu định hướng", PGS.TS. Phạm Minh Sơn nêu vấn đề.
Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, tại Việt Nam, khác với nhiều quốc gia trên thế giới, nền báo chí Việt Nam là nền báo chí cách mạng, vì nhân dân phục vụ. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam tổ chức lực lượng truyền thông chính sách, bảo đảm định hướng của công tác tuyên truyền, báo chí và truyền thông chính sách.
Các cơ quan báo chí có vai trò quan trọng trong việc tổ chức truyền thông về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Đồng thời, báo chí là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, xây dựng diễn đàn cho công tác truyền thông chính sách. "Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề nguồn lực cho truyền thông chính sách là vấn đề lớn, nhận được sự quan tâm của nhiều phía, đặc biệt là các cơ quan trực tiếp tổ chức triển khai công tác truyền thông chính sách ở các bộ, ngành và các cơ quan báo chí. Nếu thiếu các nguồn lực vật chất quan trọng này thì dù quyết tâm có cao, mong muốn có lớn nhưng làm gì cũng khó", PGS.TS. Phạm Minh Sơn nhận định.
Theo TTXVN/Báo Tin tức