Bên cạnh đó, trong tháng 10 các doanh nghiệp kinh doanh thương mại tiếp tục thực hiện bán hàng khuyến mãi theo nhiều hình thức nhằm kích cầu tiêu dùng trong dịp 20/10. Cùng với đó, Lễ hội Katê của người Chăm theo đạo Bàlamôn thu hút lượng khách khá đông, đã tác động sức mua tăng, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 đạt 3.135,2 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.
Công nhân Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú vào ca sản xuất. Ảnh: V.Miên
Tính chung 10 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tỉnh đạt 31.413,7 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 37,6%). Xét theo ngành hoạt động 10 tháng năm nay, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt doanh số cao nhất với 23.909,1 tỷ đồng, chiếm 76,1% tổng mức và tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 28%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 27,4%; may mặc tăng 24,3%; lương thực, thực phẩm tăng 8,4%; phương tiện đi lại tăng 7,3%. Tiếp đến, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 4.861,7 tỷ đồng, chiếm 15,5% tổng mức và tăng 31,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 12,8 tỷ đồng, chiếm 0,04% và tăng 136,7%. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 2.630,1 tỷ đồng, chiếm 8,4% và tăng 21,3%.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), so với tháng trước, CPI tháng 10 tăng 1,54%. Đáng chú ý, trong 11 nhóm hàng hóa và và dịch vụ tiêu dùng chính có 5 nhóm có chỉ số CPI tăng, trong đó: Nhóm giáo dục tăng cao nhất với 36,47%, góp phần làm CPI chung tăng 1,95 điểm phần trăm. Tiếp đến, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,88%. Nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,60%. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,20%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,07%.
Phân tích của Cục Thống kê cho thấy, nguyên nhân làm CPI tháng 10 tăng chủ yếu do giá gas tăng 7,00%; giá nhà ở thuê tăng 0,94% và giá điện sinh hoạt tăng 1,15%. Bên cạnh đó, do nguyên liệu sản xuất tăng và số lượng thợ may rành nghề hiện ít nên giá tiền công may quần áo tăng mạnh với 7,41%; trong đó, giá quần áo may sẵn tăng 0,52%; may mặc khác như: Mũ nón tăng 0,24%; giầy dép tăng 0,35%. Cùng với đó, một số mặt hàng như: Máy vi tính và phụ kiện tăng 0,46%; đồ điện khác tăng 0,65%; đồ dùng nấu ăn như nồi cơm điện tăng 0,87%; đồng hồ treo tường và để bàn tăng 0,70%; bàn ghế, salon tăng 0,65%; dao kéo làm bếp tăng 10 1,20%; đồ dùng bằng nhựa tăng 0,15%; chăn, màn, gối tăng 0,42%; xà phòng giặt tăng 0,28%; sửa chữa thiết bị đồ dùng gia đình tăng 2,33% do tiền công lao động tăng..., làm CPI tháng 10 tăng 3,22% so với tháng 12/2022 và tăng 4,00% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng 2 nhóm là hàng hóa và dịch vụ có CPI giảm, chủ yếu do giá xăng dầu giảm nhiều, ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 2/10/2023, ngày 11/10/2023 và ngày 23/10/2023 làm cho giá xăng giảm 4,62%; giá dầu diesel giảm 0,82%. Ngoài ra, giá vé tàu giảm 6,68%; vé xe giảm 2,67% nguyên nhân là do giá vé trở lại bình thường sau đợt tăng giá dịp lễ 2/9. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,27% chủ yếu do giá thực phẩm giảm 0,45% và giá lương thực giảm 0,06%. Các nhóm còn lại, gồm: Nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính, viễn thông và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá không thay đổi. Kết quả trên đã tác động nâng CPI bình quân 10 tháng năm 2023 tăng 4,62% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Linh Giang