Tỉnh ta hiện có tổng diện tích rừng và đất rừng 200.392,80 ha, trong đó diện tích đất có rừng 160.423,64 ha và diện tích đất chưa có rừng 39.969,26 ha. Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, BVR, thời gian qua, các cấp ngành, chính quyền địa phương đã triển khai thực hiện chính sách giao rừng khoán quản cho các tổ cộng đồng (TCĐ), hộ dân vùng đồng bào DTTS&MN nhận BVR. Nhờ đó, công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng được tốt hơn. Từ năm 2016 đến nay, các đơn vị chủ rừng đã giao khoán cho TCĐ, hộ dân nhận BVR tại các địa phương với diện tích 52.200 ha, với mức hỗ trợ từ 300-400 nghìn đồng/năm/ha, góp phần cải thiện đời sống người dân vùng đồng bào DTTS&MN.
Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Pha cho biết: Thực hiện chính sách giao rừng khoán quản cho TCĐ, hộ dân vùng đồng bào dân tộc đã giúp người dân có sinh kế từ rừng, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ và tăng thu nhập. Hiện nay, đơn vị giao cho các TCĐ, hộ dân nhận khoán BVR, với diện tích 3.285 ha. Qua đó, các TCĐ, hộ dân đã giúp đơn vị ngăn chặn kịp thời tình trạng đốt nương rẫy, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép...
Ngoài nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, thời gian qua, với kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, dự án, các đơn vị chủ rừng còn vận động, hướng dẫn các TCĐ nhận BVR xây dựng các mô hình sinh kế theo hướng bền vững. Qua đó, giúp người dân vùng đồng bào dân tộc có sinh kế từ rừng, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, từ đó tạo động lực cho người dân tích cực tham gia công tác bảo vệ và phát triển rừng. Ông Lê Hữu Duy, Phó trưởng BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Tân Giang cho biết: Từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã giao cho 19 TCĐ nhận BVR tại các địa phương, với diện tích 15.420 ha, mức hỗ trợ 400 nghìn đồng/ha/năm, với tổng kinh phí trên 22,88 tỷ đồng, góp phần cải thiện đời sống người dân. Để tạo sinh kế cho các hộ dân, đơn vị đã vận động người dân trích 40% để chi phí trong công tác BVR, 60% dùng để mua bò. Đến nay, các TCĐ đã mua 850 con bò, hỗ trợ hơn 2.000 giống cây ăn quả cho người dân trồng xen kẽ dưới tán rừng, đầu tư 1.500m ống dẫn nước tự chảy về phục vụ sinh hoạt, sản xuất và chăm sóc rừng.
Phát triển các mô hình sinh kế dưới tán rừng giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đơn cử như gia đình ông Mang Hiểu, thôn Trà Nô, xã Phước Hà (Thuận Nam) thuộc diện hộ nghèo. Năm 2016, gia đình ông tham gia vào TCĐ giao khoán BVR và được BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Tân Giang giao khoán với diện tích 30 ha rừng. Với diện tích này mỗi năm gia đình được nhận khoảng 12 triệu đồng. Từ số tiền này, ông đã mua 2 con bò sinh sản để phát triển mô hình sinh kế dưới tán rừng. Ngoài ra, cải tạo 3 sào đất rẫy để trồng điều. Đến nay gia đình ông có 3 con bò, mỗi năm cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng từ cây điều. Hay như gia đình ông Ya Khiên, thôn Gòn, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn), năm 2016, gia đình nhận khoán 30 ha rừng của BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Pha, nhờ tiết kiệm gia đình đã phát triển vườn cây ăn quả. Năm 2019, gia đình ông được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP với số tiền 50 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ có số tiền từ BVR và vốn vay, đến nay gia đình ông Khiên đã có 1 ha sầu riêng, mít, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng.
Ông Lê Minh Sang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Việc phát triển các mô hình sinh kế bền vững gắn với bảo vệ và phát triển rừng cho người dân vùng đồng bào DTTS&MN trong thời gian qua không chỉ giúp người dân vùng đồng bào có thêm sinh kế, tích lũy được tài sản để phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi dưới tán rừng đem lại hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống, mà còn góp phần sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển lâm nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, từ tiền giao khoán BVR các TCĐ, hộ dân đã mua trên 1.932 con bò, 750 con dê, cừu, 62 con heo để phát triển các mô hình chăm nuôi dưới tán rừng, tạo sinh kế, tăng thu nhập. Các đơn vị còn hỗ trợ người dân phát triển vườn cây ăn quả có giá trị cao như: Sầu riêng, mít, bưởi, chôm chôm... tại 67 hộ, với trên 4.200 cây giống; hỗ trợ xây dựng được 2 hệ thống dẫn nước tự chảy để phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất và chăm sóc rừng... Ngoài ra, thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, từ năm 2017 đến nay, các đơn vị tạo điều kiện cho gần 816 hộ dân vay vốn, với số tiền trên 38,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất, chăn nuôi dưới tán rừng.
Để chính sách giao rừng được triển khai hiệu quả, giúp người dân vùng đồng bào DTTS&MN có sinh kế từ rừng, thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách giao rừng khoán quản cho người dân nhận BVR. Đồng thời, tập trung đánh giá các mô hình trồng rừng hiệu quả, mô hình sinh kế mô hình nông - lâm kết hợp để xây dựng và nhân rộng mô hình sinh kế cho người dân để đảm bảo tính bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS&MN. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS&MN gắn với nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng.
Tiến Mạnh