Tin tổng hợp

* Theo Cục Thống kê tỉnh, hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn trong 10 tháng năm 2023 ổn định và an toàn. Huy động vốn và dư nợ tín dụng có sự tăng trưởng so với cuối năm 2022. Các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được ngành ngân hàng tỉnh quan tâm thực hiện. Tỷ lệ nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát. Theo Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, ước đến cuối tháng 10/2023, nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 22.145 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 8,8% so với cuối năm 2022; đạt 97,1% kế hoạch năm 2023.

Nhân viên Viettin Bank làm thủ tục giải ngân cho khách hàng. Ảnh: Văn Nỷ

Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 41.150 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước, tăng 10,8% so với cuối năm 2022; đạt 99,8% kế hoạch năm 2023. Dư nợ xấu trên địa bàn là 240 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,58% so với tổng dư nợ, tăng 0,09% so với tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2022. Kết quả thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng vay khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, số dư nợ trên địa bàn tỉnh đến thời điểm 30/9/2023 là 9.448 tỷ đồng (trong đó, dư nợ vay của khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch là 5.970 tỷ đồng; dư nợ vay của khách hàng cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh và khách hàng khác là 3.478 tỷ đồng).

* Trong tháng 10/2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN do địa phương quản lý tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 66,9% kế hoạch năm và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN do địa phương quản lý tháng 10/2023 có tăng, nhưng tăng chậm lại so với các tháng trước đó do một số nguyên nhân sau:

Các đơn vị huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công công trình tại Tp.Phan Rang-Tháp Chàm. Ảnh: Văn Nỷ

Một số dự án khởi công mới chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư, một số dự án đang tiến hành các thủ tục lựa chọn nhà thầu và hoàn tất các thủ tục pháp lý khác để tiếp tục quá trình thực hiện dự án; Một số dự án được bố trí kế hoạch vốn từ nguồn thu tiền sử dụng đất nhưng thực tế nguồn thu còn hạn chế, chưa đủ số vốn để thông báo cho các chủ đầu tư thực hiện tiếp các dự án; nguồn thu xổ số kiến thiết của địa phương còn phụ thuộc số thu ngân sách hàng tháng, hàng quý dẫn đến việc thông báo chưa đủ nguồn vốn để các chủ đầu tư thực hiện tiếp dự án. Tính chung 10 tháng, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn NSNN do địa phương quản lý ước đạt 2.196,8 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn NSNN cấp tỉnh 1.440,8 tỷ đồng, tăng 16,9%; vốn NSNN cấp huyện 735,7 tỷ đồng, giảm 1,2%. So với kế hoạch năm đạt 66,9%, cao hơn cùng kỳ năm trước (đạt 64,4%) cho thấy việc giải ngân vốn đầu tư công đạt hiệu quả hơn cùng kỳ.