Hiện nay, tổng đàn bò trên địa bàn xã có gần 3.900 con. Với lợi thế là xã thuần nông, có diện tích đất rừng và đất sản xuất nông nghiệp lớn, xã Ma Nới đã thực hiện các giải pháp để giúp người dân xây dựng các mô hình chăn nuôi bò bền vững. Đồng chí Nghiêm Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thời gian qua, xã phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức trong chăn nuôi bò cho người dân. Cán bộ khuyến nông thường xuyên về các thôn hướng dẫn, vận động bà con xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, dự trữ thức ăn vào mùa mưa và hạn; thực hiện tiêm vắc xin định kỳ phòng dịch bệnh cho đàn bò. Ngoài ra, địa phương cũng tạo điều kiện, hỗ trợ cho người dân tiếp cận, thụ hưởng các chính sách trong phát triển sinh kế như: Các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 135, dự án “Tam nông”... và các nguồn vốn vay ưu đãi của các Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng và đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi bò.
Người dân xã Ma Nới phát triển chăn nuôi bò, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ việc đầu tư chăn nuôi bò mà nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã có “bàn đạp” để bứt phá thoát nghèo. Đơn cử như vợ chồng chị Cà Mau Thị Thuột, thôn Tà Nôi, mặc dù đã kết hôn từ năm 2014 nhưng do không có đất cũng như kinh nghiệm sản xuất nên cái nghèo cứ mãi đeo bám gia đình. Nhận thấy được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, đầu năm 2021, địa phương tạo điều kiện cho chị nhận 2 bò cái sinh sản từ nguồn hỗ trợ chương trình 135. Với sự siêng năng, tìm tòi và học hỏi kiến thức chăm sóc bò, đến nay, chị có đàn bò 5 con và thoát khỏi hộ nghèo.
Điều đáng ghi nhận là người dân địa phương đã dần thay đổi được phương thức chăn thả rông trước đây sang nuôi nhốt hoặc bán chăn thả; đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, áp dụng các kiến thức vào chăn nuôi, qua đó rút ngắn chu kỳ sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhiều hộ có nguồn thu nhập cao, trở thành hộ khá, giàu của địa phương, trong đó có chị Katơr Thị Yến, thôn Gia Rót. Nhờ đầu tư vay vốn mua bò cái sinh sản và áp dụng phương pháp chăn nuôi mới nên đến nay gia đình chị có đàn bò 12 con, mỗi năm xuất bán từ 3-4 con, cho thu nhập trên 70 triệu/năm. Chị Yến cho biết: Trước đây, gia đình chăn nuôi bò chăn thả ở nương rẫy nên bò phát triển và sinh sản rất chậm. Sau khi được cán bộ chia sẻ kiến thức, gia đình áp dụng chăn thả bán tự nhiên, xây dựng chuồng trại, theo dõi, phòng bệnh cho đàn bò nên trung bình mỗi năm bò cái cho sinh sản đều, nhờ vậy mà tôi nuôi con ăn học và xây dựng nhà cửa khang trang. Dù giá bò có hạ thấp hơn so với những năm trước, nhưng với nguồn thức ăn sẵn có từ phụ phẩm nông nghiệp nên gia đình tận thu, tiết kiệm được chi phí chăm sóc, nhờ đó hiệu quả kinh tế vẫn rất ổn định.
Đồng chí Nghiêm Văn Vinh, cho biết thêm: Xác định nông nghiệp là thế mạnh và động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có mô hình chăn nuôi bò, thời gian tới, địa phương tiếp tục triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên gia súc; tiến hành tiêm vắc xin lở mồm long móng và vắc xin viêm da nổi cục trên đàn bò, đồng thời chỉ đạo thú y xã tăng cường công tác kiểm tra tình hình chăn nuôi bò; nhân rộng các mô hình chăn nuôi bò hiệu quả... qua đó nâng cao chất lượng, số lượng đàn bò, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo cho người dân.
Lê Thi