Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số (CĐS) mạnh mẽ trên các lĩnh vực, trong đó phát triển kinh tế số, xã hội số được triển khai quyết liệt, tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh xác định CĐS là bước đột phá để tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về CĐS tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh ban hành 1 nghị quyết, Ban cán sự đảng UBND tỉnh ban hành 1 chương trình hành động, UBND tỉnh ban hành 12 quyết định, 1 chỉ thị, 12 kế hoạch, thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn viễn thông (VNPT, FPT, Viettel) và ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo triển khai thực hiện công tác CĐS trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, hình thành kỹ năng số, hoàn thiện công dân số và phát triển cộng đồng công dân số trên địa bàn. Tỉnh đã hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp dữ liệu dùng chung của tỉnh. Xây dựng, triển khai nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP); đã thực hiện kết nối với 13/13 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quốc gia thông qua trục LGSP. Hệ thống thông tin KT-XH tỉnh đã được kết nối với Hệ thống báo cáo của Chính phủ theo quy định. Hiện có 1.122 dịch vụ công trực tuyến tỉnh; đã tích hợp và đồng bộ trạng thái hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia 1.089/1.122 dịch vụ công trực tuyến đạt 97,06%; kết nối và khai thác sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... Cùng với đó, quan tâm xây dựng và phát huy hiệu quả của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai các hoạt động, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử (TMĐT) trong doanh nghiệp (DN) và cộng đồng; phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong TMĐT, hỗ trợ quá trình CĐS của DN vừa và nhỏ đáp ứng nhu cầu phát triển TMĐT trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với sự vào cuộc quyết liệt, phát triển kinh tế số, xã hội số đã có chuyển biến tích cực, góp phần tạo động lực thúc đẩy KT-XH phát triển.

VietinBank Ninh Thuận hiện đại hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng
công nghệ mới, đa tiện ích. Ảnh: Phan Bình

Cụ thể, trên lĩnh vực phát triển kinh tế số, tỉnh đã xây dựng các chương trình, kế hoạch hỗ trợ DN CĐS, đặc biệt là đối với các DN nhỏ và vừa, kế hoạch phát triển TMĐT, thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Tổng doanh thu trong lĩnh vực CĐS năm 2022 ước đạt 2.236,1 tỷ đồng, chiếm 9,53% GRDP của tỉnh, chủ yếu từ hoạt động kinh tế số ICT chiếm tỷ trọng 6,1% và kinh tế số nền tảng chiếm tỷ trọng 3,4%. Trên địa bàn tỉnh hiện có 810 DN và 114 chi nhánh đang hoạt động có đăng ký ngành nghề thuộc các loại hình sản xuất phần cứng, phần mềm, điện tử, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, phân phối sản phẩm công nghệ thông tin. 100% DN đã triển khai chữ ký số và phần mềm kế toán điện tử, 100% DN đã cập nhật và triển khai hóa đơn điện tử, các nền tảng số như: Giải pháp cho DN, quản trị DN, quản lý nhân sự, quản trị bán hàng, văn phòng thông minh, trường học trực tuyến, họp, hội nghị trực tuyến, phòng khám thông minh,... đã hỗ trợ triển khai đến cho khoảng 250 DN trên địa bàn tỉnh. Hoạt động TMĐT, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, hiện tỉnh có 50 DN đã lên các sàn TMĐT trong nước với 127 sản phẩm, trong đó có 123/134 sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT, đạt 91,79%. Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã triển khai kết nối thanh toán với các đơn vị trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị để thanh toán thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ.

Về phát triển xã hội số, tỉnh đã đẩy mạnh triển khai các nền tảng hỗ trợ giáo dục và dạy học, hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, công dân số, thanh toán số, chữ ký số cá nhân trên địa bàn tỉnh. Thu thập và cập nhập lên phần mềm nền tảng địa chỉ số là 146.587 địa chỉ, đạt 100% (trong đó địa chỉ nhà tư nhân là 144.319 địa chỉ). Đã triển khai tập huấn kỹ năng số cơ bản cho người dân trong độ tuổi lao động được 128.141/368.212 người, đạt 34,8%. Hệ thống phản ánh hiện trường hoạt động hiệu quả, giúp nâng cao hiệu quả tương tác giữa người dân với chính quyền. Riêng trong năm 2022, hệ thống phản ánh hiện trường đã tiếp nhận 551 phản ánh, nâng tổng số phản ánh trên hệ thống là 1.648 phản ánh; tiếp nhận và chuyển trả lời 56 câu hỏi của người dân, DN trên chuyên mục hỏi - đáp; 6 tháng đầu năm 2023 hệ thống phản ánh hiện trường đã tiếp nhận 186 phản ánh, nâng tổng số phản ánh lên 1.873 phản ánh; tiếp nhận và chuyển trả lời 25 câu hỏi của người dân, DN trên chuyên mục hỏi - đáp. Hầu hết các phản ánh, câu hỏi đều được các sở, ban, ngành, địa phương trả lời đúng thời hạn quy định, nội dung trả lời rõ ràng, cụ thể được đa số người dân, DN đồng tình.

Khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hà. Ảnh: V.N

Xác định phát triển kinh tế số, xã hội số góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển KT-XH, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Thời gian tới, tỉnh sẽ bám sát chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp bộ, ngành liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật trong từng ngành, lĩnh vực phù hợp với yêu cầu của phát triển kinh tế số, xã hội số; chú trọng xây dựng các chính sách để nâng tỷ lệ hoạt động trực tuyến trong hoạt động của mỗi cơ quan, tổ chức, ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối số cho người dân. Đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng 4G, hướng đến phủ sóng 5G đến tất cả các thôn, xóm, khu vực dân sinh trên toàn tỉnh; tăng nhanh tỷ lệ người dùng internet. Phát triển nền tảng địa chỉ số, bản đồ số tạo hạ tầng mềm cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu tập trung cấp tỉnh, kết nối liên thông, mở chia sẻ dữ liệu để tập hợp tài nguyên dữ liệu của tỉnh vào một đầu mối xử lý, phân tích, tạo ra các giá trị mới phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số. Quản lý khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ và triển khai đồng bộ giải pháp trong quản lý, khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh; phát huy vai trò của cộng đồng DN; người dân; các tổ chức nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng... trong phát triển kinh tế số, xã hội số.