Xã Phước Hậu hiện có 4.529 hộ dân/20.710 nhân khẩu, trong đó đồng bào Chăm 2.203 hộ/10.612 nhân khẩu, chiếm gần 50% dân số, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với sự lãnh đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương, trong những năm qua, nhiều giải pháp thiết thực được triển khai thực hiện đã đưa đời sống của người dân ngày càng nâng lên. Theo đó, xã đã tập trung vận động người dân chủ động trong việc chuyển đổi cây trồng, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức quy hoạch, bố trí các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực phù hợp theo thế mạnh từng vùng, nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Qua đó, bà con nông dân đã thực hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, như: “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, với diện tích trên 700 ha; mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa với diện tích trên 200 ha, năng suất đạt trên 7 tấn/ha, giúp nông dân tăng lợi nhuận từ 30 triệu đồng lên 40 triệu đồng/ha.
Diện mạo nông thôn mới xã Phước Hậu ngày càng khởi sắc.
Ngoài ra, xã còn triển khai mô hình trồng táo theo quy trình VietGAP, mô hình phủ lưới vườn táo chắn côn trùng với diện tích khoảng 223 ha mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, để đưa ngành chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, bà con đã tập trung phát triển chăn nuôi gia súc có sừng theo hướng trang trại, gia trại, với tổng đàn trên 9.000 con. Nhờ những chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống người dân, thu nhập bình quân đầu người đạt 52,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3%.
Không chỉ chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, đồng bào Chăm ở xã Phước Hậu luôn phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau trong cuộc sống và tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”. Bà con chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chung sức cùng với chính quyền địa phương giữ gìn an ninh trật tự; bảo đảm đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp.
Trong thực hiện xây dựng NTM, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, thời gian qua, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân đã đóng góp trên 2 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông nội thôn, tu sửa các khu di tích lịch sử văn hóa, thực hiện mô hình “Thắp sáng đường quê”, trồng hoa dọc các tuyến đường... Đến nay, 100% tuyến đường liên xã, liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa; 90% các tuyến đường lắp đặt đèn chiếu sáng; 100% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia và sử dụng nước hợp vệ sinh. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được duy trì và phát triển; tình hình an ninh trật tự được giữ vững. Qua đó, tạo cơ sở vững chắc cho xã Phước Hậu duy trì và xây dựng xã NTM nâng cao.
Ông Quảng Đại Hùng ở thôn Phước Đồng 1, cho biết: Lễ hội Katê năm nay bà con đồng bào Chăm rất phấn khởi. Vụ hè - thu vừa qua được mùa, được giá lúa, các gia đình có điều kiện mua sắm vật dụng, trang hoàng nhà cửa để đón lễ hội truyền thống thêm phần đầm ấm, sung túc hơn. Lễ hội Katê là dịp để bà con, anh em, họ hàng sum họp, nhằm thắt chặt tình đoàn kết. Bà con trong thôn đã ra quân làm vệ sinh những nơi công cộng, những khu vực diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để đón du khách đến cùng chung vui.
Đồng chí Huỳnh Hồng Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu, cho biết: Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, diện mạo NTM ngày càng khởi sắc. Nhằm tạo không khí vui tươi, an toàn cho Lễ hội Katê, xã chỉ đạo lực lượng công an, dân quân phối hợp tuần tra, kiểm soát địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền các gia đình tổ chức lễ hội với tinh thần đoàn kết, tiết kiệm, theo đúng phong tục, tập quán của đồng bào Chăm.
Tiến Mạnh