Đến thăm mô hình trồng nấm QLC với diện tích gần 200 m2 ở vườn thực vật của VQG Phước Bình trong chuyến công tác tại huyện miền núi Bác Ái vừa qua, chúng tôi nhận thấy nơi đây có khí hậu và điều kiện tự nhiên thuận lợi cho loại nấm quý hiếm này phát triển. Kỹ sư Não Duy Pháp, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế VQG Phước Bình, cho biết: Qua nghiên cứu, nấm QLC có chứa các hoạt chất sinh học có khả năng ức chế tế bào ung thư và kháng được 6 chủng vi khuẩn gây bệnh. Đây là cơ sở cho việc phát triển nguồn dược liệu chăm sóc sức khỏe và làm đẹp trong tương lai, góp phần bảo vệ các nguồn gen quý của Việt Nam. Trong quá trình nghiên cứu, đến nay đơn vị đã nuôi cấy thành công để bảo tồn nguồn nấm quý hiếm này.
Kỹ sư Não Duy Pháp kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của nấm quế linh chi.
Cũng theo kỹ sư Não Duy Pháp, việc trồng nấm QLC khá đơn giản, không cần diện tích đất lớn, ít tốn công chăm sóc. Người dân có thể trồng nấm dưới tán rừng, vườn cây ăn trái, tận dụng vật liệu sẵn có tại địa phương, như tre, nứa... làm khung đỡ giá thể nấm. Nấm QLC có thời gian sinh trưởng tính từ tơ nấm đầy bịch cấy đến khi nấm phát tán bào tử lứa đầu tiên là 40-45 ngày, năng suất nấm trung bình 16 kg khô/1.000 bịch phôi. Khoảng cách giữa lứa thứ nhất và lứa thứ hai từ 20-25 ngày. Hiện giá bán khô nấm thành phẩm từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/kg.
Theo Ban quản lý VQG Phước Bình, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Sâm và Dược liệu TP. Hồ Chí Minh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh thực hiện Đề tài “Bảo tồn và phát triển nguồn gen nấm QLC” có nguồn gốc tại VQG Phước Bình. Đến nay, đề tài thực hiện đúng tiến độ đề ra, đã bảo tồn nguồn gen bằng phương pháp bảo tồn âm sâu và phát tán hệ sợi, bào tử nấm ra ngoài tự nhiên, phân tích độc tính, dược chất quan trọng có trong nấm, đang thực nghiệm các mô hình trồng nấm hiện đại và thân thiện với môi trường. Việc công bố các hoạt chất có giá trị dược liệu trong nấm QLC và hoàn thiện được quy trình nuôi trồng là điều kiện để chuyển giao, nhân rộng mô hình sản xuất nấm QLC.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Giám đốc phụ trách VQG Phước Bình, cho biết: Mục tiêu của Đề tài “Bảo tồn và phát triển nguồn gen nấm QLC” nhằm góp phần bảo tồn ngoại vi nấm QLC. Đồng thời, đánh giá, phân tích, so sánh về công dụng dược liệu của nấm QLC, hướng đến xây dựng các mô hình sản xuất đáp ứng yêu cầu làm nguồn nguyên liệu dược liệu tại tỉnh.
Việc bảo tồn và phát triển nguồn gen nấm QLC quý hiếm tại VQG Phước Bình là điều kiện quan trọng để có thể chủ động cung cấp cho thị trường và định hướng chuyển giao công nghệ cho cộng đồng, góp phần phát triển nghề trồng nấm tại địa phương, tiến tới hình thành sản phẩm đặc sản phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng cũng như phát triển du lịch.
Kha Hân