Thực hiện công tác trồng rừng năm 2023, toàn tỉnh dự kiến trồng rừng tập trung với diện tích 272 ha rừng phòng hộ và rừng thay thế được phân bổ cho 4 đơn vị là Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Krông Pha 40 ha; BQL rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu 132 ha; BQL rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam 30 ha và BQL Vườn quốc gia Phước Bình 70 ha. Ông Lê Minh Sang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để công tác trồng rừng đảm bảo đúng tiến độ, ngay từ đầu năm, Chi cục đã chỉ đạo cho các đơn vị chủ rừng xây dựng hồ sơ thiết kế, khu vực trồng, ươm giống, dọn thực bì, đào hố, chuẩn bị phương tiện và nguồn lực... sẵn sàng cho công tác trồng rừng; hướng dẫn các đơn vị chủ rừng về kỹ thuật trồng, chăm sóc và quản lý giống, nhằm nâng cao chất lượng trồng rừng. Bên cạnh đó, các đơn vị chủ rừng còn phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về những chế độ chính sách trồng rừng cho các hộ dân, tổ cộng đồng để người dân đăng ký tham gia trồng rừng; thực hiện việc kiểm tra tỷ lệ diện tích rừng trồng của những năm trước để có kế hoạch triển khai trồng dặm, bổ sung những diện tích rừng trồng đã bị chết... Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu giống phục vụ công tác trồng rừng, các đơn vị chủ rừng đã chủ động gieo ươm giống và tiến hành các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo cho cây phát triển tốt, đạt tỷ lệ sống cao. Nhờ chuẩn bị tốt công tác trồng rừng, hiện nay các đơn vị chủ rừng cơ bản đã hoàn tất các điều kiện để tiến hành trồng rừng tập trung mới.
Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam chuẩn bị nguồn cây giống
cho vụ trồng rừng mới năm 2023.
Năm nay, BQL rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam được giao trồng 30 ha rừng thay thế. Ông Lê Xuân Hòa, Trưởng BQL rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam cho biết: Để việc trồng rừng đạt hiệu quả cao, ngoài chuẩn bị diện tích trồng rừng, đơn vị đã chuẩn bị trên 175.000 cây giống; tổ chức hướng dẫn kỹ thuật xử lý thực bì, đào hố đúng quy trình kỹ thuật, cách chăm sóc, bảo vệ rừng. Đến thời điểm này, đơn vị đã hoàn tất các khâu và dự kiến trồng rừng khi có mưa xuống, phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng rừng vào cuối năm. Ngoài ra, đơn vị còn phân công lực lượng theo dõi, đánh gia mức độ phát triển đối với 133 ha rừng đã trồng của các năm để triển khai chăm sóc, trồng dặm, trồng bổ sung.
Cùng với công tác trồng rừng mới, năm nay các đơn vị chủ rừng còn triển khai chăm sóc, trồng dặm, bổ sung những diện tích cây trồng bị chết của các năm trước, với diện tích trên 2.765 ha. Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Pha cho biết: Năm 2023, ngoài trồng mới 40 ha rừng thay thế, đơn vị còn triển khai trồng dặm và chăm sóc trên 250 ha rừng của các năm trước. Đến thời điểm này, đơn vị đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền chính sách trồng rừng cho các hộ dân để người dân đăng ký trồng rừng; cử cán bộ xuống khu vực trồng rừng hướng dẫn người dân xử lý thực bì, đào hố đúng quy trình kỹ thuật, cách chăm sóc, bảo vệ rừng trồng; chuẩn bị đầy đủ giống, vật tư, nhân lực và phương tiện để tiến hành trồng rừng mới và trồng dặm. Phấn đấu hoàn thành công tác trồng rừng theo đúng kế hoạch, bảo đảm năng suất và chất lượng trồng hiệu quả.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có mưa, nên rất thuận lợi cho công việc trồng rừng, vì vậy một số đơn vị chủ rừng đang khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện, vật tư... để tiến hành trồng rừng mới, phấn đấu hoàn thành đúng kế hoạch, đạt hiệu quả cao. Ông Hoàng Lộc, Trưởng BQL rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu cho biết: Theo kế hoạch năm nay, đơn vị trồng 132 ha rừng phòng hộ và thay thế, để việc trồng rừng đạt kết quả, ngay từ đầu năm, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, thiết kế, gieo ươm 420.000 cây giống cũng như chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư để tiến hành trồng rừng khi trên địa bàn xuất hiện mưa. Đến nay, đơn vị đã hoàn thành xong công tác trồng rừng đúng kế hoạch đề ra.
Với sự chủ động trong công tác triển khai các giải pháp trồng rừng của ngành lâm nghiệp và sự nỗ lực của các đơn vị chủ rừng, các đơn vị chủ rừng sẽ sớm hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng tập trung đúng kế hoạch đề ra.
Tiến Mạnh