Ninh Sơn chủ động ứng phó thiên tai

Huyện Ninh Sơn có 7 xã và 1 thị trấn, địa bàn nhiều sông, suối độ dốc lớn, nên khi có mưa lớn hoặc mưa liên tục dễ gây hiện tượng sạt lở, lũ quét, lũ ống chia cắt cục bộ. Để chủ động phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN), ngay từ đầu mùa mưa, UBND huyện đã xây dựng các phương án cụ thể ứng phó kịp thời với các loại hình thiên tai, nhằm bảo đảm an toàn về người và tài sản.

Trên cơ sở xác định các khu vực trọng điểm thường chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét như: Khu vực đèo Ngoạn Mục, suối SaKai, thượng nguồn của các sông suối ở xã Lâm Sơn bắt nguồn từ tỉnh Lâm Đồng; đập dâng Tân Mỹ, các hồ của thủy điện hạ Sông Pha 1, 2 (xã Lâm Sơn) và thượng Sông Ông 1, 2 (xã Quảng Sơn), tràn Cho Mo (xã Mỹ Sơn); bờ sông tại các đoạn Đèo Cậu (xã Nhơn Sơn), khu vực dọc hai bên bờ Sông Ông thuộc thôn Lâm Phú, Lâm Quý, Tầm Ngân 1 và thôn Tầm Ngân 2... Từ đó huyện đã phân công cụ thể từng thành viên của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện phụ trách địa bàn phối hợp chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát và hướng dẫn xây dựng phương án di dời các hộ dân ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng khi xảy ra thiên tai đến nơi an toàn. Huy động lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ ở các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tham gia công tác ứng phó tình trạng ngập lụt, lũ quét, bão, đảm bảo khoảng 200-300 người. Trong đó, lực lượng nòng cốt là công an, quân đội, dân quân, thanh niên xung kích, tình nguyện viên tại các xã, thị trấn. Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực và của tỉnh để nắm bắt kịp thời diễn biến của thời tiết, thông tin kịp thời trên hệ thống loa truyền thanh xã, giúp nhân dân cảnh giác, chủ động đối phó với thiên tai, bão lũ. Đồng thời, với phương châm “4 tại chỗ”, huy động tổng lực về người và phương tiện, cơ sở vật chất sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra lũ quét, sạt lở đất, chia cắt.

Các khu vực dễ xảy ra sạt lở, lũ quét, lũ ống trên địa bàn huyện Ninh Sơn
được cắm biển cảnh bảo để đảm bảo an toàn.

Tại xã Nhơn Sơn và Mỹ Sơn (Ninh Sơn), khu vực dọc theo tuyến Sông Dinh có chiều dài hơn 6 km, mỗi khi có mưa lớn liên tiếp nhiều ngày thường xảy ra ngập lụt cục bộ ảnh hưởng đến hoa màu và đời sống nhân dân. Để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, các địa phương phân công cán bộ đến từng nhà người dân trong khu vực tuyên truyền, vận động nâng cao cảnh giác, chủ động đối phó khi có mưa lũ lớn xảy ra. Bà Nguyễn Hồng Đủ, thôn Lương Cang, xã Nhơn Sơn cho biết: Nhà tôi khu vực ven Sông Dinh nên năm nào mưa lớn liên tiếp nhiều ngày là ngập lụt. Mấy năm về trước gia đình chủ quan, nên khi lũ lên nhanh, bất ngờ, hoa màu bị ngập mất trắng, nhiều tài sản bị trôi. Nhưng rút kinh nghiệm từ đó, khi dự báo thời tiết có bão là gia đình tranh thủ thu dọn đồ đạc cần thiết lên cao, chằng chống nhà cửa thật chắc, những vật dụng thiết yếu đem gửi ở nhà bà con, khi lũ lên chỉ sơ tán người. Còn ông Ly Văn Bốn, ở thôn Phú Thủy, xã Mỹ Sơn cho hay: Cả cánh đồng hơn 15 ha ở thôn Phú Thủy đa số được người dân trồng hoa màu, cỏ và làm chuồng trại chăn nuôi bò. Vì vùng trũng nên mưa lớn nhiều ngày thường bị ngập lụt chia cắt cục bộ. Khi thấy dấu hiệu nước bắt đầu dâng là gia đình tôi được cán bộ địa phương đến nhà thông báo để chủ động. Mọi người sẽ tranh thủ thu hoạch hoa màu sớm, lừa bò lên chỗ cao tránh ngập lụt, bảo vệ tài sản.

Hiện nay trên địa bàn huyện Ninh Sơn đang bước vào mùa mưa, để ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới có thể xảy ra, huyện đã xây dựng các phương án về phòng, chống bão và mưa lớn gây ra lũ, lụt, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đá trên địa bàn, làm cơ sở để các ngành, địa phương thực hiện đạt hiệu quả khi có tình huống xấu xảy ra. Đồng chí Kiều Tấn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, cho biết: Hiện nay UBND huyện đã chỉ đạo tổ chức kiểm tra các công trình xây dựng trên địa bàn các xã, thị trấn. Bên cạnh đó xây dựng kế hoạch chỉ đạo lực lượng bộ đội, thanh niên xung kích, dân quân tự vệ và nhân dân thực hiện gia cố đê, kè sông tại các vị trí xung yếu bằng các phương án cụ thể như: Kè bao cát chắn sóng, đổ rọ đá tại các vị trí xói lở; tổ chức tuần tra sông nhằm phát hiện kịp thời sự cố lún, sụt, xói lở để xử lý kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình trong khi bão, lũ diễn ra; kế hoạch dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, sẵn sàng cung cấp cho vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, không để xảy ra tình trạng thiếu các mặt hàng thiết yếu trong công tác PCTT và TKCN... Đồng thời, chỉ đạo Trạm Thủy nông Ninh Sơn tổ chức trực 24/24 giờ để theo dõi, kiểm tra, trong đó chú trọng các công tác đảm bảo an toàn đối với hồ chứa nước. Đồng thời, tổ chức thực hiện các biện pháp xả lũ, tích nước hợp lý, hạn chế ngập lụt hạ du khi có mưa lũ ảnh hưởng.