Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển dịch vụ ĐGTS theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp hoá, chuyên môn hóa của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức ĐGTS, chất lượng hoạt động ĐGTS; khắc phục những hạn chế, bất cập, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về ĐGTS. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản; bổ sung 01 Điều mới, bám sát quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật ĐGTS là luật hình thức, quy định về trình tự, thủ tục đấu giá áp dụng thống nhất đối với các tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá; cơ bản giữ nguyên các quy định của Luật đang còn phù hợp và phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Đồng chí Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung của dự thảo luật và góp ý thêm các vấn đề: Xem xét đơn giản hoá thủ tục về ĐGTS để phù hợp với việc chuyển đổi số và cải cách hành chính hiện nay; đề nghị rà soát, cần xây dựng quy định chặt chẽ trường hợp bất khả kháng không tham dự các phiên đấu giá; cần có 2 người giám sát thay vì 1 người để đảm bảo tính khách quan và tránh tình trạng thông đồng giữa người đấu giá và tổ chức đấu giá; cần có mức quy định mức nộp tiền đặt trước đối với các loại tài sản khác nhau, tối thiểu 8-10% và với quyền sử dụng đất tối thiểu 15% giá khởi điểm; không cần xác nhận niêm yết ĐGTS ở địa phương; cần có hướng xử lý đối với người tham gia đấu giá bỏ tiền đặt trước; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động ĐGTS…
Thay mặt đoàn ĐBQH, đồng chí Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu; đồng thời sẽ tổng hợp để trình Quốc hội trong thời gian tới.
Lê Thi