Trong khi khả năng Hi Lạp bị vỡ nợ đã đến rất gần và kinh tế Ý, Tây Ban Nha bắt đầu chao đảo.
Một biển quảng cáo giảm giá đến 50% dù chưa đến mùa khuyến mãi
tại Lisbon, Bồ Đào Nha ngày 6-7 - Ảnh: Reuters
Cuộc họp tại Brussels (Bỉ) bước vào ngày thứ hai hôm 12-7 sau khi không đạt được đột phá nào trước đó. Sau nhiều giờ họp trong ngày 11-7, các lãnh đạo châu Âu chỉ đi đến thống nhất sẽ đưa ra thêm các khoản vay lãi suất thấp hơn, đáo hạn lâu hơn cho Hi Lạp và các thành viên gặp khó khăn khác.
“Tình hình lúc này rất nghiêm trọng” - Bộ trưởng tài chính Phần Lan Jutta Urpilainen mô tả. “Các bộ trưởng sẵn sàng thực hiện các giải pháp nhằm giúp tăng cường khả năng chống chọi của khu vực đồng euro trước nguy cơ lây lan khủng hoảng” - tuyên bố chung của các bộ trưởng cho biết.
Lần đầu tiên các quan chức châu Âu đã không còn mạnh miệng bác bỏ việc Hi Lạp có thể sẽ “vỡ nợ có chọn lọc” nhằm ổn định núi nợ của nước này, một khả năng bị Ngân hàng Trung ương châu Âu phản đối.
Trong khi đó, thị trường của hai nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư của châu Âu là Ý và Anh vừa trải qua một ngày kinh hoàng với việc cổ phiếu và trái phiếu bị bán tháo, đẩy lãi suất vay lên mức cao kỷ lục. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Chính phủ Ý nhảy vọt lên mức 6% lần đầu tiên kể từ năm 1997, còn lãi suất kỳ hạn 1 năm nhảy từ 2,1% của tháng trước lên 3,67%. Bộ trưởng tài chính Ý Giulio Tremonti đã phải bỏ dở cuộc họp tại Brussels để về nước đối phó với khủng hoảng xuất phát từ món nợ hiện đã chiếm đến 120% GDP của nước này. Chính phủ Ý đến nay vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về việc áp dụng các chính sách thắt lưng buộc bụng.
Cơn chấn động tiếp tục đẩy giá cổ phiếu trên thế giới hôm 12-7 tiếp tục giảm mạnh, riêng cổ phiếu các ngân hàng châu Âu mất đến 3% giá trị, xuống mức thấp nhất trong vòng hai năm qua. Giá đồng euro cũng tụt xuống mức thấp nhất trong vòng bốn tháng trở lại đây, theo AFP. Điều thật sự đáng sợ hiện nay là dù quỹ giải cứu trị giá 750 tỉ euro (khoảng 1.045 tỉ USD) có thể níu giữ được Hi Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland, vốn chỉ chiếm 6% nền kinh tế khu vực đồng euro, song số tiền phải ứng cứu trong trường hợp Ý và Tây Ban Nha vỡ nợ sẽ khổng lồ.
Nguồn Tuổi trẻ