Đẩy mạnh chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tập trung chỉ đạo, quyết liệt thực hiện công tác chuyển đổi số và đạt kết quả quan trọng bước đầu.

Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức số

Để công tác CĐS được triển khai đồng bộ, thu hút các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp (DN) đồng thuận triển khai, cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức thiết thực, phù hợp điều kiện thực tế. Trong đó, Tỉnh đoàn tổ chức ngày hoạt động cao điểm trong Tháng Thanh niên năm 2023 với nội dung tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký, cài đặt định danh điện tử VNeID và thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thường xuyên theo dõi, cập nhật các tin, bài, văn bản chỉ đạo, điều hành CĐS của trung ương, địa phương tại chuyên mục CĐS trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận, Báo Ninh Thuận, đài truyền thanh các huyện, thành phố mở chuyên mục tuyên truyền các nội dung về CĐS trên địa bàn tỉnh. Các huyện, thành phố thành lập 65 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 840 thành viên; 446 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn, khu phố với 2.439 thành viên. Các Tổ công nghệ số cộng đồng thành lập đi vào hoạt động đã trở thành lực lượng nòng cốt trong thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng DVCTT, các nền tảng số, góp phần đẩy nhanh quá trình CĐS của tỉnh.

VietinBank Ninh Thuận chuyển đổi số phục vụ khách hàng. Ảnh: Văn Nỷ

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, DN và nhân dân, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh thời gian qua được quan tâm đẩy mạnh, đạt một số kết quả quan trọng bước đầu. Hiện nay, Cổng DVC tỉnh cung cấp 829 DVCTT; đã đồng bộ trạng thái, tích hợp lên Cổng DVC quốc gia 812/829 DVCTT, đạt 97,95%. Tỉnh đã kết nối, tích hợp, khai thác 20 trường thông tin cơ bản trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 100% DVCTT của tỉnh để phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Từ ngày 1/1 đến 7/9/2023, toàn tỉnh tiếp nhận 275.423 hồ sơ; trong đó, có 231.562 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến, chiếm 84,06%; có 28.133 lượt khai thác thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Kết quả chỉ số CĐS (DTI) năm 2022 theo công bố của Bộ TT&TT trong tháng 7/2023 tỉnh ta đạt 0,5934, tăng 94,69% so với năm 2021, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố và tăng 26 bậc so với năm 2021. Ninh Thuận cũng là một trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số nhận thức số năm 2022...

Cùng với triển khai, phát triển các ứng dụng dùng chung, nhiều cơ quan, đơn vị của tỉnh còn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển các phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ tại cơ quan, đơn vị. Đơn cử như Văn phòng Tỉnh ủy đã nghiên cứu triển khai phần mềm quản lý, điều động xe công vụ phục vụ các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; hay như Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, dự kiến đưa vào khai thác, sử dụng phần mềm Chatbot-Kami Brain trong năm học 2023-2024 góp phần hỗ trợ giáo viên, học sinh trong giảng dạy, học tập.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CĐS, hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đề ra, trong tháng 9/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập 2 tổ giám sát do đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Tổ trưởng Tổ giám số 1 và đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng Tổ giám sát số 2 làm việc với một số tổ chức đảng, DN trên địa bàn tỉnh về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU. Qua các buổi làm việc, các tổ giám sát đã chỉ ra tồn tại, hạn chế cần khắc phục; đồng thời, đề nghị các đơn vị, DN được giám sát tiếp tục đẩy mạnh công tác CĐS, nhất là quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên, nhân dân về CĐS; rà soát, xây dựng, bổ sung các chương trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phấn đấu đến năm 2025 thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 09-NQ/TU đề ra...

Đoàn viên, thanh niên Tp. Phan Rang - Tháp Chàm hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID.

Góp phần nâng cao chất lượng cung ứng DVCTT, hướng đến xây dựng chính quyền số, mới đây, UBND tỉnh phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến hướng đến chính quyền số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến DVCTT, nhất là ý kiến tâm huyết của chuyên gia phân tích chính sách UNDP về kết quả chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh Ninh Thuận năm 2022, đánh giá của Đoàn công tác Học viên Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về thực trạng thực hiện DVCTT trên địa bàn tỉnh. Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu những đánh giá, phân tích thực trạng và đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng DVCTT trên địa bàn tỉnh do Đoàn công tác Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu ra. Đồng chí đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan đến nâng cao chất lượng cung cấp DVCTT cho người dân, DN; mong muốn đoàn công tác tiếp tục có những ý kiến đề xuất, kiến nghị với bộ, ngành trung ương và các tổ chức phi chính phủ tiếp tục có những hỗ trợ, hướng dẫn để tỉnh Ninh Thuận có bước tiến nhanh, hiệu quả, rõ nét hơn trong công tác CĐS, nhất là nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao chất lượng DVCTT và phát triển hạ tầng thông tin trong thời gian tới.