Diện mạo nông thôn mới xã Phước Thuận. Ảnh: Sơn Ngọc
Qua gần 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2023, huyện đã huy động các nguồn lực với trên 320 tỷ đồng thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn. Trong đó, vốn từ ngân sách trên 102 tỷ đồng, vốn tín dụng 107 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp (DN) 8,3 tỷ đồng, từ cộng đồng dân cư trên 3 tỷ đồng và các nguồn vốn khác 100 tỷ đồng. Từ việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và huy động từ các nguồn lực trong nhân dân đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đến nay, Chương trình MTQG xây dựng NTM của huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kinh tế nông nghiệp có nhiều chuyển biến vượt bậc, đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn khai thác lợi thế từng vùng, từng địa phương, nâng cao năng suất, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích. Hiện nay, 100% đường giao thông trục xã, trên 85% đường trục thôn, đường ngõ xóm và 91% đường nội đồng đã được bê tông cứng hóa; 100% thôn, khu phố và 99,9% hộ dân sử dụng điện lưới; 8/8 xã có trường học đạt chuẩn về cơ sở vật chất, 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% thôn, khu phố, hộ dân dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, các xã đều có đội thu gom xử lý rác thải... Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, đến nay, huyện Ninh Phước đã được công nhận huyện đạt chuẩn NTM (năm 2019), 8/8 xã được công nhận xã NTM, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Theo UBND huyện Ninh Phước, bên cạnh những kết quả đạt được, việc huy động nguồn lực vào xây dựng NTM vẫn còn gặp những khó khăn, nhất là huy động nguồn lực từ đấu giá quyền sử dụng đất, nguồn lực từ DN và cộng đồng dân cư, chiếm tỷ lệ còn thấp so với nguồn vốn huy động thực hiện NTM trên địa bàn (dưới 10%).
Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực vào xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn huyện, 8/8 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao và có từ 1-2 xã đạt xã NTM kiểu mẫu, thời gian tới huyện sẽ vận dụng các cơ chế, chính sách để xây dựng các chương trình, dự án nhằm tranh thủ nguồn hỗ trợ đầu tư của trung ương và của tỉnh; thực hiện có hiệu quả nguồn vốn từ chương trình xây dựng NTM, lồng ghép với các dự án thành phần để thực hiện các tiêu chí NTM trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, khai thác tốt các nguồn thu trên địa bàn; quy hoạch và khai thác có hiệu quả giá trị quỹ đất nhằm tập trung nguồn lực từ đất đai vào ngân sách địa phương để cân đối nguồn lực xây dựng NTM. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn vay chính sách tín dụng, vay vốn đầu tư đối với các dự án tái cơ cấu, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng đổi mới công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị và các dự án thuộc ngành du lịch, dịch vụ, du lịch sinh thái.
Cùng với đó, huyện sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung liên quan đến xây dựng NTM để người dân nhận thức đầy đủ, có sự đồng thuận cao và tham gia đóng góp hưởng ứng nhiệt tình. Các địa phương thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tiếp thu ý kiến nhân dân trong việc xây dựng các nội dung, chương trình NTM tại địa bàn; nội dung nào cấp bách, thiết thực, được người dân thống nhất, đồng tình ủng hộ và tham gia đóng góp nguồn lực thì ưu tiên làm trước. Xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực phải phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương; sử dụng các nguồn lực hiệu quả, tiết kiệm, hợp lý, công khai đúng theo quy định pháp luật, nhất là các nguồn huy động từ cộng đồng dân cư. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có đóng góp trong xây dựng NTM trên địa bàn.
Anh Tuấn