Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội

Nhằm đảm bảo nguồn vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh luôn chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến người dân. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng CSXH trên địa bàn.

Ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Ngay từ đầu năm 2023, đơn vị đã tham mưu Trưởng Ban đại diện (BĐD-HĐQT) Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh xây dựng kế hoạch để chỉ đạo các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát. Đây là hoạt động được triển khai thường xuyên nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của các hệ thống phòng giao dịch (PGD), các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, điểm giao dịch xã, tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), giúp đơn vị chủ động nắm bắt tình hình chất lượng tín dụng CSXH và chủ động đưa ra các giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.

Nông dân xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) đầu tư phát triển chăn nuôi từ vốn tín dụng ưu đãi.

Trong năm 2023, Ngân hàng CSXH tỉnh đã thực hiện kiểm tra toàn diện tại 4 lượt PGD huyện, 42 lượt hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp huyện, cấp xã và 50 lượt tổ TK&VV. Các PGD Ngân hàng CSXH các huyện tổ chức kiểm tra 39 lượt xã, 151 lượt hội, đoàn thể nhận ủy thác ở cơ sở, 223 lượt tổ TK&VV, với 1.166 lượt khách hàng vay. Ngoài ra, Ngân hàng CSXH tỉnh và PGD các huyện còn thực hiện kiểm tra hoạt động 58 lượt phiên giao dịch xã; đồng thời, thực hiện giám sát từ xa trên hệ thống camera với 302 lượt phiên giao dịch; thường xuyên thực hiện giám sát, phân tích số liệu từ xa, đôn đốc các đơn vị kịp thời chỉnh sửa những tồn tại phát sinh. Qua kiểm tra đều ghi nhận các tổ chức tham gia quản lý vốn chấp hành tốt quy trình, chấp hành nghiêm túc các quy trình thủ tục nghiệp vụ theo hướng dẫn, hầu hết các sai sót, tồn tại đã được thực hiện rà soát, chỉnh sửa kịp thời. Chị Tài Thị Thanh Khoa, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Thành Tín, xã Phước Hải (Ninh Phước), chia sẻ: Tổ có 60 thành viên, với dư nợ hơn 3 tỷ đồng. Từ việc kiểm tra thường xuyên, hoạt động của tổ được củng cố, đi vào nền nếp, hộ vay vốn đều thực hiện nghiêm túc việc trả nợ, lãi, gửi tiết kiệm hằng tháng, không có nợ phát sinh quá hạn và lãi tồn.

Từ kết quả thông qua các đợt kiểm tra, giám sát, chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao; chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác xét duyệt đối tượng vay vốn đảm bảo đúng quy định, hoàn thiện hồ sơ và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng theo chỉ tiêu được giao, với tổng dư nợ các chương trình tín dụng hiện đạt 3.157 tỷ đồng, với 78.419 khách hàng/100.765 món vay; qua đó, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Cùng với cho vay, các hệ thống PGD còn làm tốt công tác phối hợp với ngành chức năng tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đưa đồng vốn phát huy đúng mục đích, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống từ nguồn vốn vay ưu đãi.

Để nâng cao hiệu quả việc triển khai tín dụng CSXH trong những năm tới, Ngân hàng CSXH tỉnh và các PGD Ngân hàng CSXH tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kiểm tra, giám sát. Tăng cường tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp cùng với các tổ chức quản lý nguồn vốn chủ động giám sát thường xuyên quá trình sử dụng vốn của hộ vay; cùng với đó, định hướng người dân đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các mô hình sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân.