Chú trọng phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Trong những năm qua, được sự quan tâm, giúp đỡ của trung ương, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực vươn lên của nhân dân, kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng, an ninh (QP-AN) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đồng chí Pi Năng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Toàn tỉnh hiện có 28 xã vùng DTTS và MN, trong đó có 15 xã khu vực III, 1 xã khu vực II, 12 xã khu vực I với 71 thôn đặc biệt khó khăn. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 32 DTTS với 39.326 hộ/173.765 khẩu chiếm 23,71% dân số toàn tỉnh. Trong thời gian qua, các chính sách dân tộc luôn được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện, đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 25/1/2022 về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thường xuyên rà soát, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN của các cơ quan trung ương, chủ động hướng dẫn hoặc tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, đúng quy định, góp phần đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, từng bước phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào các DTTS và MN.

Hệ thống giao thông miền núi được đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển.

Riêng trong giai đoạn 2021-2023, tổng nguồn vốn đã bố trí cho chương trình MTQG hơn 1.582,18 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương 532,33 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương đối ứng 79,88 tỷ đồng, vốn tín dụng 102 tỷ đồng, vốn lồng ghép 867,97 tỷ đồng để đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN. Trong năm 2022, đã giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương hơn 107,79 tỷ đồng, đạt 93%; vốn sự nghiệp 35,89 tỷ đồng, đạt 48,9%; vốn tín dụng, đã giải ngân 15,6 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023 đã giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương 65,94 tỷ đồng, đạt 43%; vốn sự nghiệp 37,6 tỷ đồng, đạt 15%; vốn tín dụng đã giải ngân 15,7 tỷ đồng. Từ nguồn vốn chương trình MTQG đã góp phần thúc đẩy KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN phát triển. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 97,56% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 80% trường, lớp học được xây dựng kiên cố; 99,93% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 95,33% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; học sinh các cấp học được đến trường đảm bảo chỉ tiêu đề ra. Các chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm y tế được quan tâm triển khai thực hiện. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hình thành và phát huy, việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật phát triển kinh tế đã giúp nhiều hộ đã thoát nghèo. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS và MN không ngừng được cải thiện, thu nhập tăng lên, đến cuối năm 2022, mức thu nhập bình quân của người DTTS là 32,4 triệu đồng/người, tăng 3,19 triệu đồng so với năm 2020; đạt 55,5% so với mục tiêu đến 2025; hộ nghèo DTTS còn 6.974 hộ, chiếm tỷ lệ 17,73%; hộ cận nghèo DTTS là 3.934 hộ, chiếm tỷ lệ 10% so số hộ DTTS, thấp hơn 1,66% so với năm 2021.

Song song với nhiệm vụ phát triển KT-XH, tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và MN trên địa bàn tỉnh ổn định. Hoạt động của người có uy tín trong đồng bào DTTS đã phát huy tốt vai trò của mình và là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với đồng bào dân tộc. Để phát huy hiệu quả hơn nữa trong thực hiện công tác dân tộc gắn với QP-AN, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc nhất là các chương trình, dự án thuộc chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN. Đồng thời thường xuyên rà soát các chính sách dân tộc không còn phù hợp để kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN, tạo động lực thúc đẩy vùng đồng bào DTTS và MN phát triển toàn diện bền vững về kinh tế, mạnh về QP-AN.