Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Ngày 12/10/2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Để nghị quyết vào cuộc sống, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã triển khai nhiều phần việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, qua đó bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

Qua gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy, đến nay Sở NN&PTNT đã tổ chức công bố rộng rãi dự án đầu tư vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, dự án sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù ứng dụng CNC, công nghệ hữu cơ của tỉnh để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư. Tập trung nhân lực hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương, các chủ thể kinh tế xây dựng, mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác trong tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Rà soát, lựa chọn các vùng sản xuất tập trung còn khó khăn trong việc tiếp cận các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC để tập trung đẩy mạnh công tác khuyến nông, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trình diễn để nhân rộng. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu thực hiện các nội dung thỏa thuận ký kết giữa UBND tỉnh với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Mô hình sản xuất dưa lưới theo hướng công nghệ cao tại huyện Ninh Sơn.
Ảnh: Phan Bình

Hiện nay, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững tại khu vực tưới thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, với quy mô khoảng 4.000 ha; lập, trình phê duyệt quy hoạch phân khu giống CNC An Hải, Sơn Hải làm cơ sở để tổ chức lại sản xuất và thu hút đầu tư phát triển trong thời gian đến. Đồng thời, phối hợp với các ngành, địa phương lập hồ sơ đề nghị công nhận 2 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC; diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC toàn tỉnh đạt 515,7 ha, đạt 51,57% so với mục tiêu đề ra (mục tiêu đến năm 2025 đạt 1.000 ha); hỗ trợ, hình thành 3 DN nông nghiệp CNC được tỉnh công nhận DN nông nghiệp CNC, lũy kế đến nay có 4 DN nông nghiệp CNC, vượt so với mục tiêu đề ra (mục tiêu đến năm 2025 đạt 2-3 DN CNC); đã thu hút đầu tư 37 dự án nông nghiệp ứng dụng CNC đi vào hoạt động, trong đó có 22 dự án hoạt động hiệu quả.

Sở NN&PTNT cũng đã phối hợp với Ban Quản lý Khu nông nghiệp CNC TP. Hồ Chí Minh ký kết và triển khai thực hiện biên bản hợp tác ngày 2/11/2022 về việc phối hợp thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu hoặc các dự án cả hai bên cùng quan tâm. Đồng thời, phối hợp với Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố cùng các đơn vị có liên quan lựa chọn một số giống nho mới đang trồng khảo nghiệm, đánh giá tính thích nghi để nhân rộng, như: Nho sữa Hàn Quốc, nho Hạ đen, nho Ngón tay đen là những giống nho ăn tươi không hạt chất lượng cao với nhiều triển vọng giúp người trồng nho nâng cao hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, hỗ trợ Dự án cây trồng mới ứng dụng CNC tại xã An Hải (Ninh Phước), Dự án Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất quả thể đông trùng hạ thảo trên nguồn cơ chất tổng hợp quy mô bán công nghiệp tại xã An Hải.

Để chuyển đổi số trong nông nghiệp, Sở NN&PTNT đã xây dựng hệ thống số hóa cơ sở dữ liệu về nông nghiệp và liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia làm cơ sở cho phân tích, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư cho chuyển đổi nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác và phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước và hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, DN. Áp dụng phần mềm quản lý vùng nuôi và phần mềm kiểm dịch thú y; sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) để giám sát tàu cá. Đến nay, 100% tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và kết nối dữ liệu vào hệ thống VNFishbase. Riêng lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng hệ thống cảnh báo cháy rừng và bản đồ số theo dõi diễn biến rừng.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy, giai đoạn từ nay đến năm 2025, Sở NN&PTNT tập trung hoàn thành Đề án phát triển sản xuất hệ thống thủy lợi Tân Mỹ. Tiếp tục chuyển đổi đạt 2.000 ha đất kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn; ưu tiên phát triển vùng cây ăn quả đặc thù ứng dụng CNC. Tham mưu điều chỉnh, bổ sung Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng mở rộng quy mô đàn lợn chăn nuôi bằng CNC; ưu tiên phát triển chăn nuôi gia súc tập trung gắn với nâng cao chất lượng đàn thông qua việc cải tạo giống, áp dụng các quy trình chăn nuôi công nghiệp CNC. Phát triển nuôi tôm công nghiệp ứng dụng CNC và các đối tượng có lợi thế. Cơ cấu lại nghề khai thác hải sản, khuyến khích đầu tư trang thiết bị hiện đại cho nhóm tàu khai thác vùng khơi gắn với phát triển mô hình dịch vụ trên biển, mở rộng ngư trường...