Văn bản nêu: Thực hiện Công điện số 694/CĐ-TTg ngày 01/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam,
Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận mặc dù không có cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, nhưng việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vẫn thường xuyên ra, vào hoặc quá cảnh qua địa bàn tỉnh. Để chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn trong tỉnh và tình trạng vận chuyển lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc, có thể được cho ăn các sản phẩm cấm dùng trong chăn nuôi, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong tỉnh và sức khỏe của người dân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ sau:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, nhất là lợn và các sản phẩm từ lợn trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch của cơ quan thú y, không rõ nguồn gốc xuất xứ; hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.
- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:
+ Tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, đặt biệt là vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn nhập vào tỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
+ Tăng cường công tác giám sát chủ động, phát hiện sớm các ổ Dịch tả lợn Châu Phi, Lở mồm long móng, Tai xanh, các bệnh mới nổi, có nguy cơ xâm nhiễm vào tỉnh Ninh Thuận.
+ Phân công cán bộ duy trì trực trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông Thuận Bắc 24/24 giờ; tăng cường kiểm soát chặt chẽ và thực hiện tiêu độc, khử trùng tất cả các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua trạm. Kiên quyết xử lý nghiêm khi phát hiện các trường hợp vi phạm kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo đúng quy định hiện hành.
2. Cục Quản lý thị trường - Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tham mưu, chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai các biện pháp ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn, các sản phẩm từ lợn không qua kiểm dịch của cơ quan thú y, không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh.
3. Công an tỉnh phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Cục Quản lý thị trường: Chỉ đạo các lực lượng Công an, Thanh tra giao thông, Quản lý thị trường tăng cường biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại, ảnh hưởng của việc nhập lợn qua biên giới và nguy cơ về các dịch bệnh bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chỉ đạo các phòng ban, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ (đặc biệt là các cơ sở giết mổ không được cấp phép), vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trái phép vào địa bàn quản lý; bảo đảm chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, giết mổ trái phép. Trường hợp bắt được các lô hàng lợn, sản phẩm từ lợn vận chuyển ra, vào tỉnh bất hợp pháp thì phải xử lý, tiêu hủy theo quy định; thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán lợn trái phép vào Ninh Thuận.
NT