Triển khai đồng bộ các giải pháp
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 70%, giải quyết việc làm cho 16.000 LĐ/năm, trong đó xuất khẩu LĐ 150 người/năm. Trong điều kiện khó khăn do dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp (DN) phải tạm ngừng hoạt động … Để thực hiện mục tiêu này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các huyện, thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, huy động nguồn lực để tạo việc làm, ổn định đời sống nhân dân. Trong đó, tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc các chính sách của Đảng và Nhà nước trong hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, LĐ thuộc hộ nghèo, LĐ là người dân tộc thiểu số. Đồng thời, tăng cường công tác hướng nghiệp trong học sinh, nhờ đó xu thế học sinh lựa chọn học nghề ngày càng tăng.
Học viên Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận trong giờ thực hành. Ảnh: Văn Nỷ
Hiện nay, toàn tỉnh có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo khoảng 9.000 LĐ mỗi năm. Các cơ sở từng bước đổi mới phương pháp dạy học gắn lý thuyết với thực hành, đào tạo các ngành nghề theo nhu cầu thị trường, đẩy mạnh hoạt động liên kết với các DN để tăng cơ hội có việc làm cho học viên sau khi ra trường. Đặc biệt, để thu hút DN tham gia vào quá trình đào tạo, góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực phục vụ các ngành, nghề trọng điểm, trụ cột của tỉnh, đầu năm 2023, UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh với 3 tiểu ban: Năng lượng tái tạo, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Ninh Thuận cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập mô hình giáo dục nghề nghiệp. Kết quả, từ năm 2021 đến tháng 6/2023, toàn tỉnh đã tuyển mới dạy nghề cho 22.342 LĐ, đạt 49,65% kế hoạch, tăng 0,65% so với thực hiện giữa nhiệm kỳ 2015-2020. Ước thực hiện đến cuối năm 2023 tổ chức đào tạo nghề cho 27.104 người, tỷ lệ LĐ qua đào tạo ước đạt 65%.
Nửa nhiệm kỳ qua, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cũng được tỉnh quan tâm, đẩy mạnh. Trong giai đoạn dịch COVID-19, các đơn vị làm nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm linh hoạt triển khai các chương trình kết nối, hỗ trợ người LĐ tìm việc trực tuyến. Sau khi dịch bệnh được khống chế, hàng loạt các sàn giao dịch trực tiếp và lưu động được mở lại nhằm kết nối cung cầu lao động hiệu quả. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức tư vấn việc làm cho 61.544 lượt người, đạt 82,05% kế hoạch; hỗ trợ tìm việc làm mới cho 3.213 LĐ, đạt 64,26% so với kế hoạch 5 năm (2021-2025). Thông qua nguồn Quỹ quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm đã tạo điều kiện cho 7.864 LĐ được vay 383,8 tỷ đồng để thực hiện các dự án việc làm. Các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp học nghề cho LĐ được giải quyết kịp thời. Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, sau nửa nhiệm kỳ, đã có 39.910 LĐ trên địa bàn tỉnh được giải quyết việc làm, đạt 49,88% mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu Nghị quyết
Theo đồng chí Trần Đức Long, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhìn chung công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong nửa nhiệm kỳ qua đã có nhiều cố gắng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên một số chỉ tiêu phải tạm hoãn để phòng, chống dịch, do đó các chỉ tiêu về giải quyết việc làm mới và đào tạo nghề mới cơ bản gần đạt kế hoạch giao. Công tác đưa LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài gặp khó khăn; số người tìm được việc làm qua tư vấn giới thiệu việc làm đạt thấp; kết nối cung cầu LĐ giữa các địa phương và các tỉnh ở phía Nam còn hạn chế. Công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu nhân lực có tay nghề cao cho các ngành kinh tế trọng điểm. Công tác tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp hằng năm mới đạt 7,6% so với tổng số đào tạo. Để đạt mục tiêu Nghị quyết về LĐ việc làm, trong thời gian tới, Sở sẽ tăng cường đối thoại, trao đổi với các DN trên địa bàn tỉnh để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng LĐ; phát triển thị trường LĐ trong và ngoài tỉnh đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm đang là ưu tiên hiện nay như: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu…; đẩy mạnh đầu tư số hóa quản trị LĐ việc làm kết nối với số hóa quản lý dân cư; tăng cường quản lý về quan hệ LĐ, chính sách LĐ, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh LĐ; tham mưu xây dựng chính sách đào tạo, thu hút nguồn LĐ có tay nghề, đội ngũ chuyên gia phục vụ cho các dự án trọng điểm và Khu công nghiệp phía Nam; đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại DN để thu hút hiệu quả LĐ tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gãy LĐ phục vụ phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Nửa nhiệm kỳ còn lại dự báo còn không ít khó khăn và trở ngại đòi hỏi các ngành, các cấp phải quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn về chính sách LĐ, việc làm, phấn đấu giải quyết việc làm cho trên 80.000 LĐ theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra. Từ đó, góp phần nâng cao tỷ lệ LĐ có việc làm, nâng cao thu nhập và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Minh Thương