Chúng tôi đến Trường Khuyết tật Quảng Sơn vào đúng giờ ra chơi. Trên gương mặt các em thể hiện rõ sự hồn nhiên, vô tư, trong sáng. Thấy tôi, một số em khá tự tin, thân thiện, chạy vội đến dùng ngôn ngữ chỉ trỏ, hò hét rồi lại tiếp tục đi tìm một không gian đùa nghịch. Trường hiện đang nhận chăm sóc, dạy dỗ trực tiếp cho 15 TKT đến từ huyện Ninh Sơn và Bác Ái. Mỗi em một độ tuổi, mỗi hoàn cảnh, câu chuyện khác nhau nhưng đều mắc một hoặc vài dạng khuyết tật, như câm điếc bẩm sinh, khiếm thị, tăng động, hội chứng Down, thiểu năng trí tuệ... Chăm sóc, phục hồi chức năng cho TKT chưa bao giờ là việc dễ. Có mặt tại lớp học, chứng kiến khối công việc “đồ sộ” mà các cô giáo phải thực hiện trong một ngày tại trường khuyết tật, chúng tôi chợt thấy chạnh lòng.
Giờ học tại Trường Khuyết tật Quảng Sơn.
Không giống như những ngôi trường khác, tại đây các giáo viên muốn hoàn thành nhiệm vụ phải nỗ lực gấp đôi. Có những em mới nhập trường, cả tuần không chịu vào lớp, chỉ chực bỏ chạy hay không ăn, không ngủ mà la hét, khóc đòi về. Mỗi khi gặp những tình huống như vậy, các cô lại nhẹ nhàng, kiên nhẫn; lâu dần các em đã quen với nếp học tập, sinh hoạt ở trường. Ngoài dạy dỗ, các cô giáo còn đóng vai trò là những người mẹ, người bạn sẵn sàng sẻ chia, giúp các em vượt qua mặc cảm bản thân. Tuy công việc vất vả là vậy nhưng chỉ có hai cô giáo đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc, đứng lớp dạy dỗ cho các em. Đối với trẻ khiếm thính, các cô hướng dẫn cách nghe, cách phát âm và cảm thụ ngôn ngữ dấu hiệu được diễn đạt qua tay, chân, ánh mắt, nụ cười... góp phần khơi dậy sự phát triển tâm hồn của trẻ khiếm thính.
Cô giáo Huỳnh Thục Huyền, người quản lý, hỗ trợ đứng lớp dạy các em tại Trường Khuyết tật Quảng Sơn chia sẻ: Hành trình hòa nhập mỗi trẻ khác nhau, tùy theo mỗi dạng khuyết tật mà có trẻ tiếp thu nhanh, có trẻ cả một thời gian dài không chuyển biến. Do vậy, tùy theo năng lực, nhu cầu, cách học của mỗi trẻ, giáo viên biên soạn giáo án “đặc biệt” cho phù hợp, góp phần cải thiện các lĩnh vực nhận thức, quan hệ xã hội, ngôn ngữ, tự phục vụ... Lớp học ở đây không phấn trắng, bảng đen, không giáo án mà chỉ có tình thương yêu và sự kiên trì của các cô giáo. Không chỉ hướng đến mục tiêu giúp các em những kiến thức cơ bản, biết tự chăm sóc bản thân mà còn trang bị kỹ năng sống cần thiết để các em có điều kiện hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, ngoài giờ lên lớp, các cô giáo còn chú trọng tổ chức cho các em được vui chơi, tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Nhờ sự yêu thương, dạy dỗ ân cần của các cô giáo, sau một thời gian học tập, đa số các em đã hình thành được kỹ năng tự phục vụ, tự biết vệ sinh cá nhân, ăn uống cũng như vệ sinh trường lớp, biết giữ gìn và bảo quản sách vở, đồ dùng học tập của mình. Đáng mừng có 3 em hòa nhập đang học lớp 9 Trường THCS Quang Trung trên địa bàn; nhiều em đã trưởng thành, biết đọc sách, biết diễn đạt cảm xúc của mình cho người khác hiểu, có gia đình, có việc làm ổn định và hòa nhập được với cộng đồng. Thấy rõ sự tiến bộ của con, nên nhiều phụ huynh không ngại đường xa khó nhọc, đều đặn đưa con đến trường mỗi ngày. Anh Phùng Hưng, phụ huynh em Phùng Khải Hoàn vui mừng chia sẻ: Trước đây cháu nhút nhát, ngại tiếp xúc với người lạ, sau thời gian học tại trường đến nay cháu biết đọc chữ, các kỹ năng cơ bản. Vui hơn, năm học này cháu đã tự tin hòa nhập lớp 1 tại Trường Tiểu học Quảng Sơn A.
Trường Khuyết tật Quảng Sơn là điểm tựa tinh thần vững chắc cho những gia đình có con không may bị khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Hầu hết những phụ huynh có con học tại trường kinh tế đều khó khăn, vì vậy kinh phí hoạt động chính đều do nhà trường tự điều chỉnh và một phần đóng góp tự nguyện của phụ huynh. Cùng với việc duy trì dạy dỗ trực tiếp 15 TKT tại trường, các cô giáo còn đến tận nhà hướng dẫn, tư vấn cách chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho 25 TKT tại gia đình trên địa bàn huyện Ninh Sơn. Và rồi sau tất cả, một lời chúc tròn tiếng của học trò, sự tự tin và tiến bộ từng ngày của các em chính là nguồn động lực, xua tan những mệt nhọc, lo toan của những giáo viên Trường Khuyết tật Quảng Sơn. Tháng 8 về, trời đã vào thu, mong sao năm học mới, nhiều TKT có thêm cơ hội được tiếp cận học tập, vui chơi, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Mỹ Dung