Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công

Thời gian qua, hoạt động khuyến công (KC) tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực trong hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất, nhất là cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), các đơn vị sản xuất sản phẩm đặc thù của tỉnh.

Hiện nay, phần lớn DN trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, ngoài sự nỗ lực của từng DN thì nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước có vai trò thúc đẩy, tạo động lực để DN đầu tư, ứng dụng máy móc vào sản xuất. Để nâng cao năng suất chế biến nho, táo, đầu tháng 6 vừa qua, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Nông sản Thái Thuận - Ninh Thuận, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) đã đầu tư máy sấy lạnh đa năng với số tiền hơn 621 triệu đồng. Là đơn vị được thụ hưởng từ nguồn vốn KC, do đó công ty chỉ đối ứng vốn hơn 321 triệu đồng. Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc công ty cho biết: Việc hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản giúp cho công ty nâng cao năng suất và công suất đạt 1.200-1.500 kg/mẻ/24 giờ, tăng gấp 3 lần so với máy cũ; đông thời tiết kiệm điện năng, giảm chí phí lao động, hạ giá thành, sản phẩm sau khi sấy màu tươi sáng hơn so với thiết bị cũ, giữ được mùi vị tự nhiên và đặc biệt là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Công ty TNHH SX TM DV Ba Mọi được hỗ trợ máy sấy bơm nhiệt phục vụ sản xuất.

Là đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm từ gỗ, thông qua Đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất sản phẩm phục vụ tiêu dùng, Cơ sở kinh doanh Hưng Long - Window, phường Văn Hải (Tp, Phan Rang - Tháp Chàm) cũng được Trung tâm KC và Xúc tiến thương mại tỉnh tiếp ứng 46% vốn để đầu tư máy mài cạnh đứng trị giá hơn 600 triệu đồng. Theo ông Dương Ngọc Toàn, chủ cơ sở kinh doanh Hưng Long - Vindow: Việc ứng dụng máy mới vào sản xuất giúp tăng năng suất gấp 7 lần so với sản xuất bằng máy cũ, chất lượng sản phẩm được nâng cao, đảm bảo tính thẩm mỹ, đồng thời giúp hạn chế tiếp xúc trực tiếp nên đảm bảo an toàn cho người lao động. So với trước đây, cơ sở giảm được 2 nhân công, qua đó hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh.

Từ đầu năm đến nay, có 7 DN được hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản và sản xuất sản phẩm phục vụ tiêu dùng với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng; trong đó, hơn 1,4 tỷ đồng từ nguồn vốn thuộc chương trình KC. Thông qua các đề án KC đã thu hút một lượng lớn vốn đối ứng của DN, tạo thêm động lực thúc đẩy các cơ sở CNNT phát triển, mạnh dạn đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động KC vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Các DN, cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, ngoài nguồn vốn hạn hẹp thì năng lực quản lý và điều hành vẫn còn nhiều hạn chế, trình độ tay nghề người lao động cũng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác KC. Bên cạnh đó, một số trường hợp đã được Bộ Công Thương quyết định hỗ trợ từ nguồn kinh phí KC quốc gia nhưng đến thời điểm triển khai thực hiện thì cơ sở xin ngưng vì các lý do khách quan, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian, tiến độ triển khai thực hiện.

Để nâng cao chất lượng hoạt động KC, Sở Công Thương đã đề ra một số giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, phổ biến văn bản về KC nhằm tạo sự nhiệt tình tham gia của DN. Triển khai tập huấn nghiệp vụ quản trị DN, maketing cho các đối tượng là lãnh đạo, cán bộ quản lý của các cơ sở CNNT, nhằm hỗ trợ họ tiếp cận với hệ thống kiến thức mới, tiên tiến để điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị được tốt hơn. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa công tác KC với công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đối tác đầu ra cho sản phẩm, tạo điều kiện quảng bá phát triển thương hiệu sản phẩm thông qua tham gia các hội chợ trong và ngoài nước. Tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác KC nhất là trong lĩnh vực sản xuất sạch hơn, xử lý ô nhiễm môi trường, phương pháp tiếp cận, xây dựng đề án và tổ chức triển khai. Đặc biệt, đẩy mạnh gắn kết giữa Trung tâm KC và Xúc tiến thương mại tỉnh với các huyện, thành phố và các hiệp hội, tổ chức DN nhằm nắm bắt những khó khăn và nhu cầu của từng cơ sở CNNT, từ đó có cách giải quyết, tháo gỡ kịp thời và hỗ trợ hiệu quả nhất.