Chúng tôi gặp Ja Ghe Hoàng Thọ sau khi anh cùng cộng đồng dân cư tuần tra bảo vệ rừng mùa khô vùng giáp ranh xã Hòa Sơn trở về nhà. Qua trao đổi, được biết anh Thọ, Trưởng thôn Tà Dương, tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành luật, anh vận dụng tốt kiến thức vào thực tiễn công tác. Toàn thôn hiện có 175 hộ, với 795 nhân khẩu sinh sống tập trung tại hai tổ tự quản số 1 và tổ tự quản số 2 trên diện tích thổ cư khoảng 3 ha bên dòng kênh Nam bốn mùa xanh mát. Toàn thôn có khoảng 50 họ thuộc 24 tộc họ kết nối huyết thống thông qua lễ ăn đầu lúa mới. Bà con các tộc họ thuộc thôn Tà Dương gắn bó sinh sống lâu đời, đông nhất là các họ: Ja Kia, Vi Môn, Ja Ghe, La Vui, Chamaléa, Bà Rá, Bà Râu, Pool... Trước đây, đời sống kinh tế khó khăn, nam nữ đến tuổi trưởng thành ít có điều kiện giao lưu với các thôn xóm khác. Mặt khác, hủ tục “nối dây” nên một vài trường hợp bà con tộc họ kết hôn với nhau dẫn đến tình trạng HNCHT. Do nhận thức không đầy đủ nên có người lập gia đình lứa tuổi thanh thiếu niên, hành vi tảo hôn vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình.
Ông Ja Ghe Hoàng Thọ vận động người dân thực hiện tốt việc phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở thôn Tà Dương.
Thực hiện các quyết định, kế hoạch của Chính phủ, UBND tỉnh về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS, thôn Tà Dương thành lập Câu lạc bộ phòng, chống tảo hôn và HNCHT có 8 thành viên do anh Thọ làm chủ nhiệm (gọi tắt CLB). CLB thôn Tà Dương hoạt động lồng ghép với các tổ chức đoàn thể và hội họp định kỳ khu dân cư, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về tác hại tình trạng tảo hôn và HNCHT ở địa bàn khu dân cư. Đồng thời gắn với tuyên truyền pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình. Thôn Tà Dương có tục lệ nam nữ đến tuổi trưởng thành tổ chức đám cưới vào dịp tết Nguyên đán hằng năm. Hiện nay do chuyển dịch lao động và đời sống kinh tế - xã hội phát triển nên trai gái thôn Tà Dương kết hôn với thanh niên các tỉnh phía Nam và các vùng dân cư trên địa bàn tỉnh. Trung bình mỗi năm có 8-10 đôi nam nữ tổ chức lễ cưới theo quy định pháp luật về hôn nhân và tuân thủ hương ước khu dân cư. Tất cả các đôi kết hôn đều đến nhờ trưởng thôn xác nhận tình trạng hôn nhân và trực tiếp đưa đến UBND xã thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn. Đồng thời với vai trò trưởng thôn và NCUT, anh Thọ làm chủ hôn tổ chức lễ cưới cho tất cả các đôi nam nữ trong thôn. Từ đầu năm 2023 đến nay, thôn Tà Dương có 8 người kết hôn, tuổi đời bình quân 21 tuổi đối với nữ và 23 tuổi đối với nam; không có trường hợp HNCHT.
Anh Thọ đưa chúng tôi đến thăm gia đình anh Chamaléa Linh 64 tuổi ở tổ tự quản số 1. Anh Linh cho biết bản thân anh có vợ lúc 17 tuổi đến 18 tuổi sinh con đầu lòng. Do lập gia đình quá sớm nên sức khỏe vợ chồng không bảo đảm cho việc làm cha mẹ và nuôi dạy con cái trưởng thành. Nay được NCUT tuyên truyền, vận động, bản thân anh tích cực hưởng ứng và vận động con cháu tham gia phòng, chống tình trạng tảo hôn và HNCHT ở thôn Tà Dương.
Đồng chí Đàng Quang Nữ Ngọc Thùy, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thái nhìn nhận: Anh Ja Ghe Hoàng Thọ là trưởng thôn, NCUT tiêu biểu thực hiện hiệu quả Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS ở địa phương. Qua đó tích cực góp phần nâng cao chất lượng dân số và chất lượng nguồn nhân lực đồng bào Raglai thôn Tà Dương. Đồng thời tích cực xây dựng xã Phước Thái nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới.
Sơn Ngọc