Với quyết tâm thực hiện hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng giao trong năm 2023, ngay từ đầu năm, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã kịp thời báo cáo UBND tỉnh, tham mưu Trưởng Ban đại diện - Hội đồng quản trị giao chỉ tiêu cho các huyện, thành phố để triển khai thực hiện; chỉ đạo các hệ thống phòng giao dịch tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể chính trị - xã hội nhận ủy thác tổ chức xét duyệt đối tượng vay vốn đảm bảo theo quy định. Tính đến cuối tháng 6/2023, doanh số cho vay của toàn hệ thống đạt 601,3 tỷ đồng, với hơn 16.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 1.700 lao động; giải quyết cho hơn 5.500 hộ vay vốn để xây dựng, sửa chữa nhà vệ sinh và lắp đặt công trình nước sạch, giúp cho 2.057 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập cho học sinh, sinh viên.
Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội giúp phụ nữ xã Thành Hải
(Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) đầu tư chăn nuôi hiệu quả.
Tính đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt trên 3.157 tỷ đồng, với 78.419 khách hàng vay vốn, tăng 221,7 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, dư nợ nguồn vốn trung ương trên 3.061 tỷ đồng, dư nợ nguồn vốn địa phương 95,5 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19, qua hơn một năm triển khai, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã thực hiện hoàn thành khối lượng lớn công việc, tổ chức giải ngân các chính sách cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay đảm bảo, với dư nợ đạt 215,8 tỷ đồng/5.287 lượt khách hàng. Cùng với đó, công tác phối hợp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật gắn với nguồn vốn vay được thực hiện thường xuyên, giúp hộ vay nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, cho biết: Đạt được kết quả trên, đơn vị chủ động phối hợp tốt với chính quyền các cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của 1.599 Tổ tiết kiệm và vay vốn; trang bị đầy đủ máy móc thiết bị tại 65 điểm giao dịch xã, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ cho người dân đến giao dịch vào ngày cố định hằng tháng. Hoạt động kiểm tra, giám sát hộ vay được quan tâm, chú trọng, chính quyền cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đến cán bộ, hội viên, đối tượng thụ hưởng về quyền lợi, trách nhiệm khi vay vốn, từ đó nâng cao nhận thức, sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Theo đánh giá, mặc dù chất lượng tín dụng được nâng lên nhưng chưa bền vững, nợ quá hạn và nợ khoanh còn chiếm tỷ lệ cao; nguồn vốn ủy thác địa phương chưa đảm bảo kế hoạch giao trong năm 2023; quá trình thực hiện cho vay chương trình tín dụng ưu đãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định 28/NĐ-CP của Chính phủ còn chậm.
Để thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách về tín dụng ưu đãi từ nay đến cuối năm, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nhất là cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo đúng chính sách, đối tượng thụ hưởng. Phối hợp ngành chức năng, địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện tín dụng CSXH; đồng thời, đôn đốc, thu hồi, xử lý, quản lý nợ, phòng ngừa nợ xấu phát sinh trong quá trình hoạt động.
Hồng Lâm