Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, làm việc tại Bắc Ninh

Trong chương trình thăm, làm việc tại tỉnh Bắc Ninh, sáng 30/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ đã dự lễ khởi công, thăm các dự án hạ tầng giao thông, đô thị, an sinh xã hội và sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bắc Ninh.

Tăng kết nối, giảm áp lực cho Thủ đô

Dự án đầu tư các tuyến đường tỉnh gồm ĐT.295C, ĐT.285B kết nối thành phố Bắc Ninh qua các khu công nghiệp với Quốc lộ 3 mới; đường tỉnh ĐT.277B kết nối thành phố Bắc Ninh với cầu Hà Bắc 2, đường Vành đai 4, vùng Thủ đô Hà Nội; có tổng chiều dài khoảng 20,2km; tổng mức đầu tư 1.496 tỷ đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công Dự án đầu tư các tuyến đường trọng điểm tại Bắc Ninh. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Dự kiến đến năm 2025, các tuyến đường này sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác. Qua đó kết nối khu vực phía Đồng Bắc của tỉnh với hệ thống quốc lộ trên địa bàn, tạo hướng giao thông thuận lợi với vùng Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong khu vực.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông là 1 trong 3 đột phá chiến lược đã được Đảng xác định, nhất là đối với các tỉnh, thành phố như tỉnh Bắc Ninh - đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Các tuyến đường tỉnh được khởi công hôm nay góp phần quan trọng kết nối hệ thống giao thông trong tỉnh với cả vùng Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên…; tạo ra không gian phát triển mới, các khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ mới; tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Đặc biệt, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố vệ tinh, góp phần giảm tải, giải quyết các áp lực về dân số, nhà ở, môi trường, hạ tầng giao thông… cho Thủ đô Hà Nội.

Thủ tướng biểu dương tỉnh Bắc Ninh đã tích cực xây dựng dự án, chuẩn bị đầu tư. Tuy nhiên, theo Thủ tướng việc khởi công mới là bước khởi đầu, công việc phía trước còn rất nhiều. Do đó, tỉnh Bắc Ninh cần tiếp tục hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo cho người dân nhường đất cho dự án có cuộc sống ở nơi ở mới tốt hơn, ít nhất là bằng nơi ở cũ; cấp mỏ, chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu xây dựng cho các nhà thầu phục vụ dự án.

Thủ tướng yêu cầu trong quá trình triển khai dự án phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn, chất lượng kỹ - mỹ thuật công trình, bảo vệ môi trường; không chia nhỏ gói thầu; không để đội vốn bất hợp lý; chống tiêu cực, tham nhũng trong triển khai các dự án. Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành các tuyến đường tỉnh này vào tháng 12 năm 2024.

Việt Nam trở thành cứ điểm của Samsung

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Nhà máy Samsung ở Khu công nghiệp Yên Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Sau khi thăm dây chuyền sản xuất của Nhà máy, Thủ tướng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV).

Tại buổi làm việc, sau khi nghe Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh, đề xuất các ý kiến, kiến nghị; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã phát biểu làm rõ các vấn đề liên quan chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, định hướng phát triển công nghiệp, xuất khẩu… của Việt Nam, cũng như các vấn đề các doanh nghiệp cần quan tâm như thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, chăm lo cho người lao động, nhất là về nhà ở cho công nhân, việc tham gia công các an sinh xã hội ở địa phương…

Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về những thành tựu mà Samsung đã đạt được trong suốt 15 năm qua, góp phần vun đắp cho mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng thực chất, hiệu quả; đồng thời chia sẻ với những khó khăn mà Samsung trải qua trong thời gian qua; tin tưởng Samsung sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi công nhân dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ cho biết, chỉ trong 2 năm qua, ông đã có không dưới 4 lần thăm, làm việc tại các cơ sở của Samsung và 5 lần tiếp xúc với Lãnh đạo Tập đoàn Samsung, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với các doanh nghiệp; tinh thần lắng nghe, cầu thị, trách nhiệm để giải quyết, mang lại kết quả, hài lòng cho cả hai bên.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam và Hàn Quốc đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 12/2022, mở ra những cơ hội to lớn trong quan hệ hợp tác hai nước. Hàn Quốc đã trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư. Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất với 82 tỷ USD; đứng thứ 2 về hợp tác phát triển, du lịch và lao động; đứng thứ ba về hợp tác thương mại đạt 86,4 tỷ USD năm 2022.

Theo Thủ tướng, Việt Nam đã và đang xây dựng các chính sách khuyến khích thu hút các dự án lớn, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số, tăng trưởng xanh. Trong đó Samsung hội đủ các điều kiện thực hiện các chính sách này. Samsung hiện là nhà đầu tư Hàn Quốc lớn nhất và cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 20 tỷ USD; thu hút, tạo việc làm cho hơn 100 nghìn lao động.

Thủ tướng cảm ơn Samsung coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất chiến lược, nghiên cứu - phát triển và sản xuất các sản phẩm chủ lực ra thị trường quốc tế; hoạt động hiệu quả của Samsung thời gian qua đã có đóng góp quan trọng cho Việt Nam về doanh thu xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và đóng góp các loại thuế cho ngân sách; tham gia tích cực công tác an sinh xã hội tại Việt Nam.

Thủ tướng mong muốn Samsung tiếp tục đầu tư ổn định, lâu dài, hiệu quả tại Việt Nam; góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam; góp phần nâng cao khả năng quản trị hiện đại của Việt Nam; góp phần xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập sâu rộng vào các thị trường lớn trên thế giới. Samsung đầu tư phát triển mạnh hơn nữa vào chuyển đổi số, phát triển kinh, kinh tế tuần hoàn của Việt Nam; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công nhân ngày càng tốt hơn, đặc biệt là đối với phụ nữ; đào tạo, bố trí cho người Việt Nam tham gia lãnh đạo của Samsung Việt Nam.

Nhắc lại câu ca “Non cao cũng có đường trèo. Đường dẫu hiểm nghèo cũng có lối đi”, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận các ý kiến, phản ánh của Tập đoàn Samsung về thuế, việc cung cấp điện cho sản xuất; đồng thời phân tích các yếu tố cũng như lộ trình mà Việt Nam đang thực hiện; cho biết đã giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan giải quyết thỏa đáng, phù hợp với điều kiện Việt Nam và không trái với quy định và cam kết quốc tế trên tinh thần hài hòa lợi ích của các bên.

Góp phần xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội Cát Tường Smart City và Thống Nhất Smart City tại xã Thụy Hòa và xã Yên Trung huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Dự án có quy mô diện tích khoảng 20 ha, đã hoàn thiện hạ tầng và phần thô, đang trong quá trình hoàn thiện, sẵn sàng bàn giao tới khách hàng.

Thăm các căn hộ nhà ở xã hội, tìm hiểm về diện tích, công năng, giá thành và khả năng tiếp cận của người dân, Thủ tướng Chính phủ biểu dương tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều nỗ lực trong triển khai các dự án nhà ở xã hội; các doanh nghiệp đã cùng Nhà nước, chính quyền các cấp tích cực triển khai xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, nhất là đối với Bắc Ninh nơi tập trung nhiều khu công nghiệp và trong vùng Thủ đô.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với công nhân thi công khu nhà ở xã hội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Với phương châm, mọi người đều phải “An cư mới lạc nghiệp”, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về nhà ở xã hội như về chính sách đất đai, vốn, thuế… Đặc biệt, các chính sách phải đồng bộ hỗ trợ cả người xây dựng và người sử dụng nhà ở xã hội, gồm các hình thức mua, thuê và thuê mua nhà. Quyết tâm cùng Chính phủ thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.

Tặng quà công nhân đang xây dựng tại công trường, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu nỗ lực tập trung xây dựng khu nhà ở xã hội khang trang, đẹp đẽ, bảo đảm vệ sinh môi trường, giá cả phải chăng, phù hợp với người có thu nhập thấp; đồng thời bảo đảm tiến độ, an toàn, chất lượng, hiệu quả công trình.

Theo TTXVN/Báo Tin tức