Ngày 4/5/2023, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TU về việc phát triển kinh tế đô thị (KTĐT), trọng tâm là xây dựng Phan Rang - Tháp Chàm thành thành phố thông minh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt Nghị quyết số 25). Để tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần sớm đưa Nghị quyết số 25 đi vào cuộc sống; ngày 18/6/2023, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động số 545-CTr/BCSĐ về việc thực hiện các nội dung theo Nghị quyết nêu trên.
Mục tiêu của chương trình nhằm tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, phát triển và quản lý có hiệu quả khu vực đô thị (KVĐT) nhằm mục tiêu đưa KTĐT trở thành động lực phát triển. Chú trọng phát triển các lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với định hướng ưu tiên phát triển của tỉnh gắn với phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kinh tế biển... Tập trung đầu tư để xây dựng và phát triển Tp. Phan Rang Tháp- Chàm thành đô thị xanh, hiện đại, thông minh, đô thị du lịch, dịch vụ sinh thái và là một trong những đô thị trọng tâm liên kết vùng với chức năng dịch vụ, du lịch, trung tâm hành chính văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh và khu vực. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế KVĐT chiếm khoảng 75% tổng sản phẩm nội tỉnh, trong đó Tp. Phan Rang - Tháp Chàm chiếm tỷ trọng 90% KTĐT toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng KTĐT bình quân đạt 12-13%; thu nhập bình quân đầu người KVĐT khoảng 170 triệu đồng/năm; tổng vốn đầu tư KVĐT khoảng 29-31 nghìn tỷ đồng; năng suất lao động tại KVĐT khoảng 180-200 triệu đồng/lao động/năm; quy mô dân số đô thị khoảng 254.000 người. Cơ cấu các ngành KTĐT, gồm: Ngành nông nghiệp - thủy sản chiếm tỷ trọng 8-10%; công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 30-32%; thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng 60-62%.
Định hướng đến năm 2030, phấn đấu kinh tế KVĐT đóng góp khoảng 85% tổng sản phẩm nội tỉnh, trong đó Tp. Phan Rang- Tháp Chàm chiếm tỷ trọng 90% KTĐT toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng KTĐT bình quân đạt khoảng 13-14%; thu nhập bình quân đầu người KVĐT 220 triệu đồng/năm; tổng vốn đầu tư KVĐT khoảng 18-20 nghìn tỷ đồng; năng suất lao động khoảng 330-350 triệu đồng/lao động/năm; quy mô dân số đô thị khoảng 358.000 người. Cơ cấu các ngành KTĐT: Ngành nông nghiệp - thủy sản chiếm tỷ - trọng 7-9%; công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 32-34 %; thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng 58-60%.
Để thực hiện đạt mục tiêu trên, Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc chỉ đạo tổ chức nghiêm túc việc quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp, hiệu quả, khả thi; trong đó lưu ý nghiên cứu đưa một số chỉ tiêu về phát triển vùng KTĐT vào nhóm chỉ tiêu phát triển KT-XH hằng năm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trọng tâm là tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; chú trọng đổi mới và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, tư duy, hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về các quan điểm, chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách, phạm vi, nội hàm, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát triển KTĐT đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu của các cấp chính quyền cũng như các tổ chức chính trị - xã hội trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
Từng bước xây dựng lộ trình thích hợp để mở rộng ranh giới Tp. Phan Rang - Tháp Chàm gắn với mở rộng quy mô KTĐT theo hướng mở rộng ranh giới hành chính các đô thị, thành lập mới các thị trấn theo định hướng quy hoạch tỉnh và chương trình phát triển đô thị của tỉnh. Tập trung nguồn lực cho các dự án ưu tiên đầu tư, phát triển các đô thị, các trung tâm kinh tế động lực làm khâu đột phá, sức lan tỏa lớn, kết nối vùng, tạo đà phát triển KT-XH. Từng bước hoàn thiện và đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, trong đó xây dựng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm trở thành đô thị thông minh, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của đô thị loại II nhằm phát huy vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng KT-XH của tỉnh.
Đẩy mạnh triển khai một số mô hình KTĐT mới như: Kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, các siêu thị và trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm tại Phan Rang - Tháp Chàm và đô thị trung tâm vùng khác. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác phát triển KTĐT. Tăng cường đầu tư và hợp tác liên kết trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học- công nghệ trong sản xuất và quản lý đô thị; đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin theo các chương trình, kế hoạch của tỉnh và của Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.
Tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Rà soát, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển KTĐT. Nghiên cứu, lựa chọn, có kế hoạch, phương án tập trung ưu tiên hỗ trợ, đầu tư, phát triển KTĐT tại một số đô thị lớn, đô thị trung tâm trên địa bàn tỉnh nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tạo động lực, sức lan tỏa cho các đô thị và các ngành, lĩnh vực khác, nhất là, đối với đô thị Phan Rang - Tháp Chàm, đô thị Khánh Hải...
Chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; cải thiện mạnh mẽ, hiệu quả, bền vững các chỉ số PCIPAR INDEX, PAPIICT, SIPAS... Từng bước xây dựng chính quyền điện tử; củng cố, kiện toàn cơ cấu tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương các cấp nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước và thực thi công vụ. Mở rộng áp dụng mô hình “một cửa điện tử” ở các cơ quan đơn vị; tăng cường phân công, phân cấp cho các ngành, các cấp. Tăng cường đồng hành, hỗ trợ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, người dân tham gia các hoạt động phát triển đô thị.
Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cũng nêu rõ, định kỳ hằng năm, 3 năm, 5 năm UBND tỉnh tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết, trình Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo.
Linh Giang