Tại buổi lễ, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên hiệp quốc, đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã trao Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của Người Chăm vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” cho lãnh đạo Bộ VH,TT&DL. Tiếp theo đó, lãnh đạo Bộ VH,TT&DL đã trao Bằng cho đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, đồng thời công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm của người Chăm. Theo chương trình, Bộ VH,TT&DL kêu gọi các bộ, ban, ngành, UBND các cấp, các cơ quan hữu quan, các cộng đồng là chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật làm gốm của người Chăm và nhân dân cả nước cùng thực hiện Chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật làm gốm của người Chăm.
Các nghệ nhân chế tác gốm Bàu Trúc ở Thị trấn Phước Dân (Ninh Phước). Ảnh: Văn Nỷ
Cụ thể, Bộ VH,TT&DL kêu gọi các bộ, ban, ngành, UBND các cấp cần tổ chức các hoạt động bảo vệ khẩn cấp đối với di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm: Hỗ trợ, khuyến khích nghệ nhân, cộng đồng truyền dạy tri thức, kỹ thuật, kỹ năng làm gốm, đặc biệt cho thế hệ trẻ. Xây dựng phương án quy hoạch, mở rộng nguồn nguyên liệu và bảo tồn các làng gốm; huy động các nguồn vốn để bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo, thiết kế mẫu mã mới trên cơ sở các giá trị di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm; mở rộng thị trường tiêu thụ gốm để nâng cao đời sống của cộng đồng.
Tiếp tục công tác kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm; xây dựng cơ sở dữ liệu để giới thiệu, quảng bá gốm Chăm. Xây dựng và phát triển bảo tàng gốm Chăm của cộng đồng, tổ chức trưng bày, trình diễn về nghề làm gốm trong bảo tàng của cộng đồng và bảo tàng cấp tỉnh.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương, các cơ quan chuyên môn, viện nghiên cứu tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá về giá trị di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm dưới nhiều hình thức tới công chúng trong và ngoài nước. Tổ chức định kỳ Liên hoan nghệ thuật làm gốm của người Chăm nhân dịp Lễ hội Katê; phát triển hình thức du lịch di sản văn hóa...
Bộ VH,TT&DL sẽ chỉ đạo, hướng dẫn và đồng hành cùng cộng đồng và các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, địa phương có di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm, thực hiện tốt Chương trình hành động quốc gia này; đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận bố trí nguồn lực xây dựng và tổ chức thực hiện đề án chi tiết, cụ thể hóa những nội dung của Chương trình hành động quốc gia để từng bước giúp cộng đồng tiếp tục thực hành, trao truyền và phát triển nghệ thuật làm gốm của người Chăm, tăng cường sức sống cho di sản.
Xuân Bính