Phát biểu tại buổi lễ, lãnh đạo huyện Ninh Phước nhấn mạnh: Việc UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” đã khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị văn hóa của người Chăm. Qua đó, góp phần không nhỏ giới thiệu đến bạn bè quốc tế, giúp nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của nghề làm gốm truyền thống của người Chăm trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam. Việc ghi danh sẽ thúc đẩy các giải pháp thiết thực và hiệu quả nhằm bảo tồn, vực dậy sức sống của di sản, tạo thêm nguồn lực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản gốm Chăm, hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa theo hướng bền vững.
Các đội tham gia biểu diễn tại Hội thi văn nghệ quần chúng. Ảnh: T.Mạnh
Các hoạt động quảng bá, giới thiệu về làng nghề và các sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc và Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp sẽ diễn ra từ ngày 14 đên ngày 16/6, với các nội dung: Hội thi văn nghệ quần chúng; hội thi tay nghề giỏi; hội thi các môn thể thao và trò chơi dân gian. Thông qua các hoạt động, nhằm tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân và du khách về việc UNESCO đã công nhận, ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”.
Nhân dịp này, Hội Khuyến học huyện Ninh Phước đã trao tặng 20 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho các em học sinh hiếu học làng gốm Bàu Trúc.
Tiến Mạnh