* Phóng viên: Thưa đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, mục đích Lễ hội hướng tới là gì?
- Đồng chí Nguyễn Long Biên: Việc tỉnh ta tổ chức Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” nhằm tạo sự lan tỏa đến nhân dân, cộng đồng chủ thể của di sản được vinh danh cũng như du khách nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, các cấp, các ngành, địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” trong thời gian tới.
Đối với Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận được tổ chức 2 năm/lần. Đây là dịp giới thiệu các sản phẩm đặc thù, riêng biệt sẵn có của tỉnh góp phần thúc đẩy phát triển du lịch (DL) của tỉnh; tôn vinh những giá trị kinh tế mà cây nho mang lại cho địa phương, làm rõ sự khác biệt mang tính đặc trưng của nho Ninh Thuận; tôn vinh và biểu dương những nông dân, doanh nhân, những nhà khoa học đã miệt mài, cần mẫn trong việc nghiên cứu để tăng năng suất, sản lượng nho và chế biến các sản phẩm từ nho như: Vang nho, mật nho, nho khô, mứt nho...
Các vườn nho luôn thu hút đông du khách đến khám phá, trải nghiệm. Ảnh: V.Nỷ
Qua các lần tổ chức trước, cây nho ngày càng được quan tâm và phát triển đúng theo quy hoạch của tỉnh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Đến nay, toàn tỉnh hiện có trên 1.052 ha nho, trung bình mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 26.000 - 28.000 tấn nho. Tuy diện tích nho trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm 3-3,5% tổng diện tích gieo trồng, nhưng giá trị sản xuất hằng năm của cây nho đạt từ 19-20% tổng giá trị sản xuất trong ngành trồng trọt của toàn tỉnh, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, cũng như quảng bá hình ảnh Ninh Thuận đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.
Theo định hướng phát triển ngành Nông nghiệp, tỉnh đưa ra định hướng từ nay đến năm 2030 phát triển sản xuất nho theo hướng tập trung ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, gắn với DL sinh thái và hướng đến xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích nho khoảng 1.770 ha, sản lượng đạt 44,16 nghìn tấn/năm; đến năm 2030 diện tích khoảng 2.000 ha, sản lượng đạt 51,3 nghìn tấn/năm. Vì vậy, Lễ hội lần này là cơ hội tốt để người trồng nho và các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nho và các sản phẩm từ nho ở Ninh Thuận cũng như của Việt Nam và quốc tế có dịp trao đổi học hỏi lẫn nhau những kinh nghiệm trong quá trình chọn lọc giống nho, quy trình canh tác chăm sóc nho, quy trình sản xuất, chế biến và phương thức giới thiệu quảng bá sản phẩm nho và vang nho trên thị trường trong và ngoài nước, qua đó, làm tăng hiệu quả kinh tế cho cây nho Ninh Thuận. Đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh, DL quê hương con người Ninh Thuận đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế, đưa DL Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế động lực và ngành kinh tế mũi nhọn theo chủ trương của tỉnh.
* Phóng viên: Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết Lễ hội lần này có những điểm gì mới, khác biệt so với các lần tổ chức trước?
- Đồng chí Nguyễn Long Biên: Lễ hội năm nay được tổ chức với 12 hoạt động ở cấp tỉnh và 6 hoạt động hưởng ứng tại các huyện, thành phố. Lễ hội diễn ra trong thời gian 6 ngày, bắt đầu từ ngày 13/6 đến hết ngày 18/6. Đặc biệt năm nay, chương trình nghệ thuật đêm khai mạc Lễ hội được tổ chức với quy mô chuyên nghiệp và hoành tráng hơn so với các năm. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ tổ chức các hoạt động đều xây dựng kịch bản, kế hoạch riêng cho từng hoạt động cụ thể để tổ chức nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Thông qua Lễ hội mong muốn gửi đến thông điệp: Con người Ninh Thuận luôn nồng hậu, thân thiện, nghĩa tình, sẵn lòng chào đón các nhà đầu tư, khách DL và bạn bè gần xa đến với Ninh Thuận.
Điểm nhấn, khác biệt trong lần tổ chức này, thứ nhất: Năm 2023, tỉnh tổ chức Lễ hội Nho - Vang đồng thời với tổ chức Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”.
Du khách tham quan trải nghiệm nghệ thuật làm gốm tại làng Bàu Trúc (Ninh Phước). Ảnh: Văn Nỷ
Hoạt động đặc sắc, khác biệt nữa đó là “Lễ hội ẩm thực” lần đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn, hội tụ các đầu bếp chuyên nghiệp của các vùng miền, các nhà hàng, khách sạn lớn trong cả nước cùng tham gia Cuộc thi đầu bếp ngôi sao tài năng Ninh Thuận năm 2023. Đồng thời còn có các gian hàng chế biến, trưng bày, giới thiệu các món ăn đặc trưng văn hóa ẩm thực Ninh Thuận với các nguyên liệu từ dê, cừu, dông, măng tây... và nhiều nguyên liệu khác riêng có của tỉnh. Qua đó, du khách cũng có thể chiêm ngưỡng các phần trình diễn của một số đầu bếp quốc tế đến tham gia.
Trong thời gian diễn ra Lễ hội còn có nhiều hoạt động đặc sắc khác như: Hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”. Các hoạt động thể thao hưởng ứng “Năm Du lịch quốc gia 2023” Bình Thuận - Hội tụ xanh với việc tổ chức các giải thể thao mở rộng liên tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận. Ngày hội văn hóa Raglai tại huyện Bác Ái; Lễ hội trái cây Ninh Sơn. Đặc biệt là “Hành trình khám phá Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa” là dịp để quảng bá hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, mến khách của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa nói riêng, tỉnh Ninh Thuận nói chung với các hoạt động như: Thả rùa về biển, tham quan Hang Rái, vịnh Vĩnh Hy, check-in công viên đá...
* Phóng viên: Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội được triển khai như thế nào, thưa đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh?
- Đồng chí Nguyễn Long Biên: Đây là sự kiện lớn, có ý nghĩa quan trọng tác động đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, chính vì thế công tác chuẩn bị được triển khai hết sức tích cực, chủ động và trách nhiệm. Đến thời điểm này, mọi việc cơ bản hoàn tất, các cá nhân, đơn vị được phân công nhiệm vụ chủ động vào cuộc triển khai bảo đảm chất lượng, thời gian theo yêu cầu. Kịch bản chương trình khai mạc, bế mạc đã được duyệt; các điều kiện cơ sở vật chất đang khẩn trương chuẩn bị, lắp đặt và chú trọng kiểm tra bảo đảm an toàn cho người dân, du khách về dự Lễ hội.
Công tác tuyên truyền, quảng bá Lễ hội trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đang được đẩy mạnh thực hiện. UBND tỉnh đã tổ chức họp báo về Lễ hội; chỉ đạo các cơ quan truyền thông của tỉnh tăng cường tuyên truyền, đưa tin, phản ảnh giới thiệu các hoạt động, chương trình khai mạc Lễ hội. Tại các địa phương tổ chức Lễ hội, các panô, áp phích về Lễ hội được treo dọc các tuyến phố chính; các đèn led ở quảng trường, trung tâm tỉnh sẽ quảng bá thông tin Lễ hội đến nhân dân và du khách. Hệ thống cổng, trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương sẽ cung cấp các thông tin hướng dẫn về nội dung, điểm đến tham quan Lễ hội. Chương trình khai mạc Lễ hội sẽ được phát sóng trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận (NTV) và các đài địa phương của các tỉnh khu vực vào tối khai mạc ngày 15/6/2023.
Ban tổ chức giao các tiểu ban theo phân công rà soát triển khai hoàn tất các nhiệm vụ với mục tiêu bảo đảm cho Lễ hội diễn ra thông suốt, an toàn, thiết thực và ấn tượng, làm tốt ở tất cả các khâu từ công tác tuyên truyền, trang trí khánh tiết, điện chiếu sáng, vệ sinh môi trường cho đến bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường...
Nhân đây, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, tôi trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ, tài trợ quý báu của các doanh nghiệp; sự đồng tình ủng hộ của nhân dân góp phần quan trọng cho sự thành công của Lễ hội.
Hy vọng rằng với công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo và sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các ngành, địa phương, đơn vị; Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023 sẽ tạo ra sự mới mẽ, sức hấp dẫn, không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân và ấn tượng tốt với du khách trong nước và quốc tế.
* Phóng viên: Cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã dành cho Báo Ninh Thuận cuộc phỏng vấn này.
Xuân Bính